Kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay
Nhiều đơn hàng xuất khẩu, giá lúa gạo tăng Dệt may sôi động đơn hàng xuất khẩu Nhiều đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu Xuân |
Kỳ vọng hồi phục từ quý III
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong năm 2023 nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, sản xuất của Việt Nam đóng góp lớn cho kinh tế đất nước năm 2020-2021 nhờ nhu cầu của người tiêu dùng tại Mỹ và EU. Sản xuất đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2022 nhưng tăng trưởng đạt đỉnh vào giữa năm và giảm dần trong suốt nửa cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ chậm lại đáng kể. Đến cuối năm 2022, sản lượng, việc làm và đơn đặt hàng tại các nhà máy của Việt Nam đều giảm khá mạnh.
Thủy sản là ngành hàng có triển vọng cao khi thị trường Trung Quốc mở cửa lại |
Sở dĩ việc xuất khẩu qua thị trường Mỹ và EU sụt giảm mạnh được ông Michael Kokalari, CFA - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital, lý giải rằng: Hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ và các công ty tiêu dùng tại Mỹ như Nike và Lululemon được báo cáo đã tăng khoảng 20% trong năm 2022, dẫn đến việc các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm vào cuối năm 2022 và nhập khẩu hàng tiêu dùng ở Mỹ ghi nhận mức giảm kỷ lục 13% so với tháng trước đó 11/2022. Trong đó, theo số liệu từ Hải quan Việt Nam thì chỉ tính riêng 12/2022, xuất khẩu của Việt Nam giảm 14% so với cùng kỳ.
Thậm chí đến thời điểm hiện tại, đơn hàng của các doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Điển hình như ở TP. Hồ Chí Minh, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhiều ngành nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn có đơn hàng chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ.
Do vậy, thời gian gần đây các nhà xuất khẩu của Việt Nam thay vì chờ đối tác tìm đến nhà máy thì gần đây đang rất nỗ lực trong việc tìm kiếm đơn hàng, giải quyết khó khăn trước mắt. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, doanh nghiệp đang chủ động tiếp cận khách hàng ở một số thị trường xa như khu vực Trung Đông và đưa ra mức giá cạnh tranh nhất. Nhờ vậy công ty vừa ký được 3 đơn hàng, tăng 100% so với năm ngoái và giúp dây chuyền sản xuất có thể vận hành đến hết quý II/2023.
Các chuyên gia cho rằng, cùng với sự phục hồi của thị trường cũng như chủ động của doanh nghiệp đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023. “Phải hết quý II/2023 ngành gỗ mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85%. Thị trường xuất khẩu được dự báo tăng trong thời gian tới, do nhu cầu được cải thiện sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại biên giới. Lượng giao dịch sẽ tăng lên và giá ván MDF cũng tăng nhẹ”- Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định.
Trung Quốc mở cửa sẽ bù đắp sự sụt giảm nhu cầu đối với sản phẩm “Made in Vietnam”
Trong khi nhu cầu đơn hàng mới sụt giảm thì gần đây việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đang có những tác động nhất định tới Việt Nam. Trong đó, tác động đầu tiên là đến hoạt động du lịch. Theo ông Michael Kokalari, tập đoàn này kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023 và số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Việt Nam đã tăng từ khoảng 20% so với mức trước COVID vào năm 2022 lên 50% vào năm 2023. Khách du lịch Trung Quốc trước đây chiếm 1/3 tổng số khách du lịch của Việt Nam, nếu phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023 sẽ tương đương với lượng khách du lịch tăng thêm khoảng 20% vào năm 2023.
“Du lịch nước ngoài trước đây đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam, vì vậy VinaCapital ước tính rằng việc một phần lượng khách du lịch nước ngoài trở lại đã đóng góp khoảng 2% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm ngoái. Sự tăng trưởng liên tục của lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam có thể sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% trong năm nay. Điều này sẽ bù đắp nhiều hơn cho sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất”- ông Michael Kokalari phân tích.
Ngoài du lịch, một số nhà quan sát cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm những lợi ích lớn khác từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Chẳng hạn các nhà xuất khẩu sản phẩm như trái cây và hải sản hiện đang dồn dập đơn hàng xuất đi Trung Quốc. “Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sản lượng xuất khẩu của chúng tôi đã tăng rất nhiều. Hiện chúng tôi dự kiến sẽ thu mua khoảng 2 ngàn tấn trái cây/tháng để phục vụ cho đơn hàng xuất đi nước này”- bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương cho biết.