Kinh doanh bất động sản tăng mạnh
Từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm 64.122 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 497 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% về số DN và tăng 54,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Cùng với nhiều DN đăng ký tăng thêm vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1.391,8 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là 744,3 nghìn lao động, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ 2015, đăng ký DN tại hầu hết các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng mạnh. Điển hình như lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 1.611 DN đăng ký, tăng 108,7%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 292 DN đăng ký, tăng 80,2%; hoạt động dịch vụ khác có 571 DN đăng ký, tăng 43,5%; giáo dục và đào tạo có 1.460 DN đăng ký, tăng 42,2%....
Không chỉ tăng mạnh về số lượng DN mới gia nhập thị trường, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh còn chỉ rõ, tỷ lệ vốn đăng ký theo ngành trong 7 tháng đầu của lĩnh vực bất động sản đạt 120.297 tỷ đồng, tăng 301,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng đột biến, cho thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã có những chuyển biến tích cực.
Khẳng định với phóng viên bên lề một hội thảo diễn ra vào cuối tháng 7, ông Nguyễn Anh Dương - Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Những chuyển biến trong khu vực DN nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng trong những tháng đầu năm là do tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hiệu quả ban đầu của các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như niềm tin của cộng đồng DN và các nhà đầu tư đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, cũng như cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Tại cuộc họp báo của Diễn đàn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2016 vừa diễn ra vào cuối tháng 7/2016, Ban tổ chức diễn đàn cho biết, bất động sản là một trong những lĩnh vực được nhà đầu tư trong và ngoài nước hết sức quan tâm trong thời gian qua. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD là các thương vụ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đây là con số không nhỏ, chứng tỏ các nhà đầu tư đang rất “để mắt” đến lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh hấp dẫn nguồn vốn đầu tư gián tiếp thông qua hình thức M&A, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 7 tháng đầu năm cũng cho thấy, với gần 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm, chiếm hơn 11% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, bất động sản là lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo) trong tổng số 19 ngành, lĩnh vực thu hút được đầu tư nước ngoài.
Như vậy, với 1 tỷ USD vốn đầu tư thông qua M&A và gần 1 tỷ USD thông qua đầu tư trực tiếp, bất động sản đang là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Anh Dương, sự gia tăng đột biến của lĩnh vực bất động sản cần tiếp tục được theo dõi. Nhất là trong bối cảnh nợ xấu và chất lượng tài sản đảm bảo vẫn tiếp tục là mối quan ngại hàng đầu của nền kinh tế thì với việc tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm, Chính phủ cần theo dõi dòng chảy của vốn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Nguyễn Hòa