Hàng chục ngàn tỷ đồng cho các dự án BOT giao thông
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong 6 tháng đầu năm 2016, 26.770 tỷ đồng vốn đầu tư đã được giải ngân cho các công trình giao thông, đạt 40,08% kế hoạch năm. Trong quý 3 và 4 của năm nay, Bộ GTVT sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đã có nguồn vốn; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thực hiện các dự án đầu tư mới.
Ban Quản lý dự án 1 vừa có đề xuất Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương) theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 8.074 tỷ đồng.
Theo khảo sát, lưu lượng giao thông hiện tại trên quốc lộ 20 khoảng 17.597 xe con quy đổi (PCU/ngày, đêm), đối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú khoảng 7.244 PCU/ngày, đêm. Dự báo từ nay đến năm 2020, quốc lộ 20 dù đã được cải tạo mở rộng thì sẽ vẫn bị quá tải, do đó, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đoạn Dầu Giây - Tân Phú là rất cần thiết.
Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài khoảng 59,6km đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường được xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe với bề rộng đường 24,7m, vận tốc thiết kế 100-120 km/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn một là 8.074 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 6.887 tỷ đồng.
Đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc quốc lộ 20; góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, có chiều dài 43km, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư cho phân đoạn cuối của tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn này là 387,89 triệu USD (tương đương 8.743,1 tỷ đồng), trong đó vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 384 triệu USD, phần còn lại sẽ do VEC tự thu xếp. Theo đại diện Bộ GTVT, các đoạn cao tốc trong tuyến đường là Hà Nội - Bắc Giang và Bắc Giang - Lạng Sơn hiện đã được đầu tư theo hình thức BOT nên việc tiếp tục bố trí vốn cho đoạn tuyến còn lại là cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là rất cần thiết để triển khai được đồng bộ toàn tuyến.
Được biết, đối với phần vốn vay ADB, có 347,65 triệu USD vay từ nguồn vốn vay thông thường (OCR), áp dụng cơ chế cho vay lại; 28,868 triệu USD vốn vay ưu đãi (ADF) sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng do ngân sách cấp phát. Ngân sách nhà nước sẽ cấp phát tiếp khoản kinh phí trị giá 0,521 triệu USD trong 2,295 triệu USD vốn đối ứng cho hạng mục rà phá bom mìn, phần còn lại (1,773 triệu USD) là phí vay lại của khoản vay OCR do VEC tự thu xếp.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn khi hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực; hoàn chỉnh Hành lang xuyên Á đoạn Lạng Sơn - Hà Nội trước năm 2020; tăng cường kết nối trên tuyến hành lang xuyên Á qua địa phận Việt Nam từ Lạng Sơn - Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng trung du miền núi phía Bắc; tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Duy Minh