Hà Nội: Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo chiều sâu
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị triển khai chương trình xúc tiến năm 2023 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức ngày 02/3/2023.
172 hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tổ chức trong năm 2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm quan gian hàng của TP Hà Nội tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng |
Báo cáo của HPA cho thấy trong năm 2022, TP Hà Nội đã tổ chức 172 hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau đại dịch Covid-19. Trong năm 2022, HPA đã phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đổi mới phương thức tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, quốc tế mở rộng sản xuất; Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác thông qua các chương trình tuần hàng, Festival…; Quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch qua các lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực…; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các tổ chức, đối tác quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc… Ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc HPA cho biết, đơn vị đã phối hợp với các sở Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai một số hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, qua đó quảng bá, xuất khẩu sản phẩm Việt tới thị trường quốc tế, thu hút du khách nước ngoài đến Hà Nội.
Trong khi đó Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân thông tin hoạt động xúc tiến đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021; Thu hút 1.692 triệu USD vốn FDI, tăng 10,3% so với năm 2021, ngành du lịch Thủ đô đã đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách.
Mặc dù hoạt động xúc tiến thương mại đạt được những kết quả tích cực nhưng trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, thực tế triển khai hoạt động xúc tiến cho thấy hiện thông tin, dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài như thông tin quy hoạch, giá đất, lao động... còn thiếu. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phản ánh, hoạt động xúc tiến do nhiều đơn vị thực hiện dẫn đến dàn trải chưa đi vào chiều sâu dẫn đến việc kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó hạ tầng phục vụ công xúc tiến còn hạn chế, nguyên nhân là bởi trên địa bàn TP Hà Nội chưa có Trung tâm Hội chợ, Triển lãm có quy mô lớn dẫn đến việc tổ chức hội chợ tầm cỡ quốc tế gặp nhiều khó khăn, thiếu không gian giới thiệu sản phẩm Hà Nội.
Hoạt động xúc tiến thương mại cần triển khai dài hạn
Năm 2023, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội TP Hà Nội dự kiến sẽ triển khai 167 hoạt động xúc tiến, trong đó có 50 hoạt động cấp Thành phố. Đặc biệt chú trọng triển khai tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore; Triển lãm sản phẩm hàng hóa tiêu biểu giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Vùng đồng bằng Sông Hồng. Tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, kết hợp trưng bày, hình ảnh, sản phẩm văn hóa của Hà Nội và các địa phương... qua đó tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên để hoạt động xúc tiến phát huy được hiệu quả, tại hội nghị các đại biểu có chung ý kiến, trong thời gian tới HPA cần thay đổi mô hình, cách thức tổ chức hoạt động xúc tiến theo hướng đổi mới sáng tạo, phù hợp thực tế. Tuy nhiên để làm được điều này thời gian tới UBND TP nên xem xét bố trí quỹ đất để làm địa điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, đặc trưng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các hoạt động xúc tiến của TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị |
Kiến nghị việc nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội Ngô Minh Hoàng nêu rõ, UBND TP.Hà Nội và HPA nên tổ chức các đoàn xúc tiến chuyên đề, chuyên sâu trong cả 3 lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, gắn kết hoạt động xúc tiến với chương trình công tác của Thành ủy và UBND TP qua đó nâng tầm sự kiện, hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Thủ đô. Đồng tình với kiến nghị này, nhiều đại biểu cho rằng để nâng cao chất lượng xúc tiến TP Hà Nội nên tinh giản cơ quan xúc tiến theo hướng tập trung một đầu mối, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tìm hiểu môi trường đầu tư, hợp tác kinh doanh của TP Hà Nội.
Trước những kiến nghị của các sở, ngành về hoạt động xúc tiến của TP Hà Nội trong năm 2023, Trưởng ban tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nêu rõ, hiện Thành ủy Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đối ngoại, HPA lấy đó làm căn cứ lồng ghép các hoạt động xúc tiến tại thị trường quốc tế. Đồng tình với ý kiến này, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, thời gian tới trong quá trình triển khai hoạt động xúc tiến, HPA nên xây dựng kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội theo hướng dài hạn, phù hợp xu thế chung của quốc tế. Riêng đối với hoạt động xúc tiến năm 2023 cần triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm qua đó thu được kết quả thiết thực.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các sở, ngành đẩy mạnh phối hợp với HPA trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến, hạn chế tổ chức sự kiện mang tính dàn trải, hiệu quả thu được không được như mong muốn.