Cần Thơ: Xuất khẩu gần cán đích 1,9 tỷ USD
DN xuất khẩu vượt khó để về đích
Theo ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, sau khi bước vào giai đoạn bình thường mới các DN xuất khẩu của Cần Thơ đã tăng tốc ổn định lại sản xuất, hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu còn tồn đọng trong giai đoạn giãn cách và bắt tay thực hiện cho cả các đơn hàng mới trong năm 2022. Tình hình dịch bệnh tại thành phố kiểm soát tốt hơn, các DN tập trung vừa sản xuất vừa chống dịch, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ đang tiến gần đến đích 1,9 tỷ USD trong năm 2021.
Xuất khẩu gạo Cần Thơ với nhiều hợp đồng lớn, giá cao |
Cũng trong thời gian qua Cần Thơ vẫn tiếp tục giữ vị thế hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và thủy sản. Các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là Philippines, Malaysia, Ghana, Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Singapore, Trung Quốc, Dubai, UAE, Qatar...
Theo ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố chịu rất nhiều áp lực nhưng các DN đã tranh thủ nhiều nguồn, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nên đã đạt được một số kết quả khả quan. Vừa qua, Công ty đã mạnh dạn đấu thầu quốc tế và trúng thầu xuất khẩu 22.000 tấn gạo sang Hàn Quốc với kim ngạch đạt gần 13 triệu USD ngay trong mùa dịch với giá xuất khẩu rất tốt. Số lượng gạo trúng thầu này sẽ giao từ nay đến tháng 6/2022.
Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thủy sản như cá tra, tôm, nông sản chế biến, da giày... sang những thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản vẫn được duy trì ổn định.
Tuy một số DN xuất khẩu của Cần Thơ đã cố gắng vượt khó và thực hiện đạt được một số kết quả khả quan song nhìn chung hầu hết các DN đều hết sức khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Đó là chi phí tăng cao do DN phải lo cho công nhân ăn ở, chi phí test Covid -19 trong khi năng suất lao động của mô hình sản xuất "3 tại chỗ" bị hạn chế. Đại diện Công ty May Việt Thành ở Cụm công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng (Quận Ninh Kiều) cho hay phải thực hiện giãn cách trong 3 tháng nhưng vẫn duy trì hoạt động với 500 công nhân thực hiện theo phương án sản xuất "3 tại chỗ" ngay giữa mùa dịch để giữ vững kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng đạt 1,2 triệu USD. Chi phí sản xuất tăng rất cao đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của DN.
Ngoài ra, các DN xuất khẩu còn phải ứng phó với các nguyên nhân khách quan như thông quan hàng hóa chậm, giá thuê tàu, container rỗng vận chuyển tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm, việc tìm thêm các đối tác xuất khẩu tiềm năng bị hạn chế..
Hỗ trợ DN xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu
Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ngay khi mở cửa, bước vào bình thường mới Cần Thơ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa do ảnh hưởng của Covid-19, không thể tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, khai thác các ứng dụng công nghệ; chia sẻ thông tin, kết nối các DN tại địa phương với các chương trình của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các trang web, các nhóm kết nối giao thương trên ứng dụng Zalo, Facebook, Viber; giới thiệu DN tham gia Cộng đồng Vie4Biz (Vietrade Ecosystem for 4.0 Business) nhằm tạo nên một hệ sinh thái liên kết kinh doanh, đầu tư nhanh chóng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài để thường xuyên cung cấp thông tin cho DN nắm bắt kịp thời các nhu cầu xuất nhập khẩu, cơ hội kết nối giao thương.
Ngoài ra, Cần Thơ cũng đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong nước như thực hiện các hạng mục hỗ trợ điểm bán hàng Việt cố định trên địa bàn; phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ và phòng kinh tế, phòng nông nghiệp các quận, huyện triển khai các hoạt động hỗ trợ các DN, hợp tác xã đạt chứng nhận OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong bối cảnh bình thường mới, ngành Công Thương cũng đã nhanh chóng tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp như kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021; Chương trình Hướng dẫn, hỗ trợ DN tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu do Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan liên quan tổ chức...