Bám sát quan điểm chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước
Họp báo Chính phủ: Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ trọng tâm Về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay |
Các Đảng ủy trực thuộc Khối các cơ quan Trung ương cần bám sát quan điểm chỉ đạo và điều hành của Đảng, Nhà nước và các định hướng của Đảng uỷ Khối.
Đây là yêu cầu được Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Lại Xuân Lâm nêu lên tại Hội nghị Thông tin chuyên đề quý I/2023, tổ chức ngày 24/3/2023.
Ông Lại Xuân Lâm nêu rõ, cần tập trung nắm bắt tình hình, định hướng, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên; tiến hành đánh giá công tác tư tưởng và dư luận nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII; chỉ đạo và tổ chức sơ kết việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức thực hiện Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2023.
Các cấp ủy tập trung triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; thực hiện có hiệu quả “Năm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát” trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng, Đảng đoàn và lãnh đạo các cơ quan Trung ương làm tốt công tác xây dựng đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan Trung ương…
Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Lại Xuân Lâm phát biểu |
Tại hội nghị, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thông tin chuyên đề “Dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2022, những khó khăn, thách thức và triển vọng năm 2023”.
Nền kinh tế trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,2%, vượt mục tiêu (6-6,5%), là tỷ lệ tăng cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn so mức tăng trưởng chung của thế giới và một số quốc gia. Năm 2022, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn, tăng 30,3% so với năm 2021…
Về những thách thức lớn và những vấn đề đặt ra, chuyên gia Bùi Quang Tuấn cho rằng, nền kinh tế lạm phát thấp (3,15%) nhưng lãi suất quá cao (11-12%); điểm “nghẽn” là nền kinh tế dồi dào tiền nhưng doanh nghiệp lại “khát” vốn; tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn… Bên cạnh đó, việc tham gia vào chuỗi giá trị còn hạn chế.
Chuyên gia Bùi Quang Tuấn dẫn kết quả nghiên cứu của đánh giá của Công ty kiểm toán KPMG theo đó Việt Nam đang ở giai đoạn hai trong bốn giai đoạn hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là giai đoạn mức độ sản xuất còn hạn chế: Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong xuất khẩu đến từ hoạt động sản xuất chiếm từ 60% đến 80%. Hàm lượng giá trị nội địa ở mức trung bình trên giá trị xuất khẩu. Khâu sản xuất chủ yếu tham gia vào các mắt xích có giá trị gia tăng thấp, dẫn đến lợi nhuận thấp; cơ sở hạ tầng cho các hoạt động công nghiệp tổng thể và mạng lưới các nhà cung cấp đang phát triển.
Tại giai đoạn này, quốc gia chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và có sản phẩm đầu ra đòi hỏi độ phức tạp thấp về kỹ thuật, có tới hơn 51% sự tham gia của Việt Nam đến từ việc tiêu thụ sản phẩm từ bên ngoài, và chỉ có 11% đến từ việc cung cấp sản phẩm ra bên ngoài cho chuỗi cung ứng.