Xuất khẩu sang thị trường Brazil: Thách thức nào đang chờ doanh nghiệp Việt?
Cơ hội cho xuất khẩu cá tra từ thị trường Brazil Doanh nghiệp chớp cơ hội xuất khẩu sang thị trường Brazil |
Ông Ngô Xuân Tỵ - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil phân tích: Brazil là quốc gia đông dân thứ 6 trên thế giới với hơn 215 triệu người và diện tích đứng thứ 5 thế giới với hơn 8,5 triệu km2. Brazil hiện có nhiều thuận lợi trong phát triển thương mại toàn cầu khi là nhà cung cấp nhiều nguyên vật liệu quan trọng cho các ngành sản xuất cho thế giới.
Quan trọng hơn, Brazil là thị trường không khó tính, tương đối mở và thị hiếu người dân rất đa dạng, nhu cầu lớn là cơ hội tốt cho hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nói riêng.
Ông Ngô Xuân Tỵ cũng thông tin: Một số sản phẩm chủ lực của Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu vào Brazil như: Máy móc thiết bị, điện tử, dệt may, da giày, thuỷ sản… “Thực tế những mặt hàng này ghi nhận tăng trưởng liên tục trong xuất khẩu những năm qua”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Brazil một lần nữa nhấn mạnh.
Chỉ tính riêng năm 2022, thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Brazil tăng 33%, cao su tăng 11%, hàng dệt may tăng 46%, máy móc và thiết bị tăng 4,2%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 62%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng tới 91%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 40%.
Sản phẩm dệt may- mặt hàng đạt sức tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường Brazil |
Dù được nhận định có nhiều cơ hội mở rộng thị phần, tuy nhiên thị trường Brazil tiềm ẩn nhiều thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, khoảng cách địa lý quá xa khiến chi phí logistics tăng cao. Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do hoặc thỏa thuận thương mại với Brazil do vậy, hàng Việt xuất khẩu vào thị trường này chịu thuế rất cao, có những mặt hàng lên tới 35% như sản phẩm dệt may, da giày.
Cũng như một số quốc gia khu vực Nam Mỹ khác, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước rất cao, Chính phủ Brazil đang xem xét nghiên cứu xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là với sản phẩm ảnh hưởng tới thị trường nội địa. Đây là vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các nhà xuất khẩu Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore cũng là thách thức lớn.
Để hóa giải thách thức trên, ông Ngô Xuân Tỵ cũng cho rằng: Xúc tiến thương mại là một công cụ hữu hiệu. Theo đó, các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương phối hợp với Bộ Công Thương để tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp như hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến và hội nghị doanh nghiệp… tại Brazil và các nước kiêm nhiệm, nhất là Peru, Bolivia. Hiện thương vụ đang làm việc với các đối tác tại Santa Cruz, trung tâm kinh tế lớn nhất của Bolivia để tìm hướng thúc đẩy xuất khẩu.
Kết hợp quảng bá sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông ở nước sở tại, hợp tác, kết nối với các hiệp hội, liên đoàn các bang và các thành phố triển khai hoạt động và tăng hiệu ứng lan tỏa cho công tác này.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng đề nghị: Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) mà Brazil là đối tác lớn nhất trong khối.
Cộng đồng người Việt tại Brazil cũng là một kênh kết nối hiệu quả, đề nghị các tổ chức xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương có hướng kết nối qua kênh cộng đồng này để có thể đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại trong tương lai.
Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển và nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu. Bởi yếu tố này ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp về giá cả và thời gian giao nhận hàng với các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore. Có thể mở đường bay kết nối với Sao Paulo vì đây là cửa ngõ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ.
“Trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chức năng sở tại tìm nhiều hướng, nhiều kênh để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Brazil và các nước kiêm nhiệm”, ông Ngô Xuân Tỵ nói.