Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ: Cách nào để gia tăng thị phần?
Tháng 7/2021, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng nhẹ Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng mạnh |
Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng mạnh tại thị trường EU, Mỹ
Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt 29,44 triệu USD, tăng 103,5% so với tháng 02/2022; tăng 34,4% so với tháng 3/2021. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 77,36 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 3/2022 xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU đạt 9,81 triệu USD, tăng 128,3% so với tháng 02/2022; tăng 93,3% so với tháng 3/2021. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU đạt 25,585 triệu USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng mạnh vào thị trường EU, Mỹ |
Việt Nam đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Thái Lan) trong số các thị trường cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho EU, với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2021 đạt 7,6%/năm (theo thống kê của Eurostat). Việc thực thi Hiệp định EVFTA đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nói chung và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng.
Cùng với thị trường EU, theo thống kê, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang thị trường Mỹ trong tháng 3/2022 đạt 11,40 triệu USD, tăng 78,6% so với tháng 02/2022; tăng 20,3% so với tháng 3/2021. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang Mỹ đạt 30,76 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Mỹ trong giai đoạn 2016 – 2021 tăng trưởng bình quân 5,7%/năm, từ mức kim ngạch 1,83 tỷ USD trong năm 2016, tăng lên 2,41 tỷ USD trong năm 2021 (theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ). Hiện Việt Nam đứng thứ 2 trong số các thị trường cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho Mỹ.
Người tiêu dùng Mỹ đã dần chuyển từ gốm sứ trang trí của Trung Quốc sang các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam. Cụ thể là tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam từ con số chỉ chiếm 7,2% tổng kim ngạch mặt hàng có mã HS 6913 cung cấp cho Mỹ trong năm 2010, đã tăng lên 14,34% trong năm 2020 và năm 2021 đạt trên 13,1%; trong khi đó con số này của Trung Quốc là từ 65% trong năm 2010 xuống còn 61,41% trong năm 2020 và năm 2021 tăng nhẹ lên trên 62%.
Nhu cầu nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Mỹ là rất lớn, nhưng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chưa nhiều nên dư địa để cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn.
Trợ lực cho gốm sứ mỹ nghệ cất cánh
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh - đánh giá, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết tạo ra những cơ hội rất tốt cho hoạt động xuất khẩu nói chung, thủ công mỹ nghệ và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng.
“Hiện thị trường của doanh nghiệp 95% là xuất khẩu, trong đó, thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tăng khoảng 26 - 27% so với năm trước đó. Năm 2022, doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến tháng 9, tháng 10 này. Đây là một tín hiệu rất tích cực. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng doanh thu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 5 - 7% năm 2022”, bà Hà Thị Vinh chia sẻ.
Khẳng định cơ hội thị trường xuất khẩu đang rất rộng mở. Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Vinh, việc mở rộng sản xuất để nắm bắt cơ hội thị trường không phải doanh nghiệp cứ muốn là làm được. Bởi trong ngành gốm sứ mỹ nghệ, doanh nghiệp phải đào tạo rất lâu mới có công nhân lành nghề. Bên cạnh đó là vấn đề diện tích mặt bằng sản xuất.
Mặt khác, vấn đề quy hoạch các mỏ khai thác nguyên liệu cũng như kỹ thuật khai thác mỏ kém, trong khi đó, việc khai thác mỏ với các tầng địa chất khác nhau dẫn đến tình trạng “cháo trộn với cơm” khiến chất lượng chung của nguyên liệu không tốt. Nguồn nguyên liệu không có tính chuyên nghiệp khiến gây khó khăn cho các nhà sản xuất.
Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước gặp khó khiến các doanh nghiệp như Quang Vinh phải tính đến bài toán nhập khẩu nguyên liệu. Việc này được bà Hà Thị Vinh nhận định là khá “phí phạm”. Ngoài nhập khẩu, việc mua nguyên liệu trôi nổi với chất lượng không ổn định cũng gây ra những rủi ro đối với doanh nghiệp.
Do đó, các Bộ, ngành phải có chiến lược phối hợp với nhau trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại. Việc thường xuyên tham gia các hội chợ trong và ngoài nước sẽ là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, nắm bắt được xu thế thị trường từ đó định hướng được sản xuất đúng và trúng.
Theo Tổng cục Hải quan, ước tính, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ trong tháng 4/2022 đạt 25 triệu USD, giảm 15,1% so với tháng 3/2022; tăng 17,5% so với tháng 4/2021. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 102,36 triệu USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế nói chung và ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ nói riêng. Khách nước ngoài muốn tìm đến nguồn gốc Á Đông với những sản phẩm do chính bàn tay lao động thủ công của người thợ tạo nên từ những nguyên liệu tự nhiên.
Thị trường lớn, giá cả hợp lý, khả năng luân chuyển vốn nhanh hơn là những thuận lợi rất lớn cho sản xuất. Đó là một tương lai triển vọng về phát triển hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam.
Riêng với thị trường EU, để hàng gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam thâm nhập hơn nữa vào thị trường này, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành; thường xuyên đổi mới mẫu mã, màu sắc sản phẩm theo xu hướng nội thất của thị trường tiêu dùng;…