Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ thép nhập khẩu
Mặt hàng thép nhập khẩu có xu hướng gia tăng. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Tuy nhiên, với tình hình bị ảnh hưởng của lượng thép nhập khẩu tăng cao như các sản phẩm tôn mạ kim loại và thép thanh, thép cuộn… thì Việt Nam có nguy cơ sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép nhập khẩu trong thời gian tới.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, tính chung trong năm 2015, nhập khẩu các sản phẩm thép thành phẩm khoảng 13,7 triệu tấn, tăng 22,56% so với năm 2014. Đáng chú ý, hơn 1,78 triệu tấn phôi thép đã vào Việt Nam, tăng 198% so với năm 2014. Hơn 1,62 triệu tấn thép cuộn và dây thép nhập khẩu trong khi sản xuất thép cuộn trong nước chỉ đạt 1,13 triệu tấn. Gần 1,43 triệu tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu được nhập khẩu, tăng 87,5% so với năm 2014.
Theo ông Sưa, lượng thép Trung Quốc vào Việt Nam năm 2015 khoảng hơn 8,4 triệu tấn, giá trị hơn 3,7 tỷ USD và chiếm tỷ trọng khoảng hơn 60%. Lượng thép Trung Quốc này đã tăng hơn 57% về lượng và 13,6% về trị giá so với năm 2014. Còn lại là đến từ các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… với tổng khoảng 35% lượng hàng nhập khẩu…
Trong khi đó, Việt Nam chỉ xuất khẩu tổng cộng hơn 2,8 triệu tấn thép các loại, tăng nhẹ gần 3%; thị trường truyền thống chủ yếu vẫn là các nước trong khối ASEAN mà chưa tìm được hướng xuất khẩu sang các thị trường mới. Tuy nhiên, ngay tại thị trường truyền thống này cũng đang bị giảm về lượng khoảng 4% và giá trị xuất khẩu khoảng 16,7%.
Ông Sưa cho rằng, việc nhập khẩu thép tăng mạnh khiến tốc độ tăng trưởng sản xuất của doanh nghiệp trong nước vẫn thấp hơn nhu cầu các sản phẩm thép. Tuy nhiên, với việc mở cửa thị trường, tham gia nhiều hiệp định thương mại, năm 2016, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến khoảng 15% so với năm 2015.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2016, Hiệp hội Thép sẽ đổi mới, cải tiến chất lượng góp ý, phản biện đề xuất các chính sách với Nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin hội nhập, triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, đặc biệt là thép từ Trung Quốc…
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng rất mong có được sự phối hợp, thông tin và ủng hộ từ phía doanh nghiệp trong ngành trong vấn đề phòng vệ thương mại, ông Sưa nói.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn bởi nếu đẩy mạnh xuất khẩu thì các nước thị trường sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, khiến ngành hàng thép của Việt Nam có nguy cơ bị mất thị trường, giảm xuất khẩu.
Đặc biệt với ngành thép, nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng vệ thương mại thì năm 2016, lượng thép từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc tràn vào sẽ khiến thị trường trong nước gặp khó hơn. Vì vậy, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp bị áp dụng phòng vệ thì các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau chặt chẽ, chứ đừng tránh né.
Ông Nam cho biết thêm, cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về phòng vệ thương mại để sẵn sàng đương đầu với các cơ quan điều tra, và có kế hoạch đưa ra sớm; Chuẩn hóa và chuẩn bị tốt các số liệu, không chỉ cho các cơ quan điều tra nước ngoài, mà chính trong việc đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh bảo hộ, phòng vệ ngành mình.../.
Theo TTXVN/Vietnam +