Khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên:
Tập trung cho hiện đại hóa sản xuất công nghiệp
Năm 2018, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới |
Được ưu tiên nguồn kinh phí
Theo kế hoạch năm 2018, các tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ hỗ trợ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 162 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. 2 nội dung này có tổng kinh phí hỗ trợ 20,412 tỷ đồng, chiếm 49,94% kinh phí khuyến công toàn vùng. Nguồn kinh phí hỗ trợ trên dự kiến sẽ thu khoảng 130,224 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng trong đầu tư xây dựng mô hình, mua sắm máy móc.
Tính đến hết quý II/2018, khuyến công vùng đã tổ chức trình diễn được 10 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ được 69 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền SXCN, giải ngân được 7,235 tỷ đồng.
Phú Yên là một trong những địa phương tiêu biểu của khu vực trong triển khai các nội dung hiện đại hóa SXCN nông thôn. Giai đoạn 2014-2018, tổng kinh phí khuyến công của tỉnh là 11,36 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến chiếm 33,3%, khoảng 3,77 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hỗ trợ 755 triệu đồng cho các nội dung này. Các đề án đã triển khai chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến nông – lâm - thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng là những lĩnh vực có lợi thế ở địa phương, được các cơ sở đánh giá cao và tích cực hưởng ứng tham gia.
Cùng với Phú Yên, Bình Định cũng là địa phương có nhiều nỗ lực trong cải thiện năng lực sản xuất CNNT với số lượng đối tượng thuộc diện hỗ trợ từ chính sách khuyến công lên tới 20.000 cơ sở, trong đó có trên 9.700 cơ sở kinh doanh hoạt động ở 50 làng nghề truyền thống.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Địa phương cần bố trí nguồn vốn ngân sách cho hoạt động khuyến công |
Mặc dù luôn chú trọng cho triển khai các đề án nhằm cải thiện năng lực sản xuất cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, tỉnh vẫn rất khó khăn trong thực hiện các đề án này.
Nguyên do, việc đầu tư của các cơ sở CNNT phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn, cơ hội kinh doanh và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, thời gian thực hiện kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hàng năm trên địa bàn là quá dài (khuyến công quốc gia ít nhất là 8 tháng, khuyến công địa phương ít nhất là 7 tháng) đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong việc triển khai như xin ngừng thực hiện hay đầu tư máy móc thiết bị khác so với đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Với Phú Yên, khó khăn trong triển khai các đề án hiện đại hóa sản xuất lại do các hộ kinh doanh và doanh nghiệp CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên chưa đủ khả năng tiếp cận, đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại. Số lượng cơ sở và nhu cầu hỗ trợ nhiều, vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế, do đó mức hỗ trợ chưa cao, chưa thu hút sự quan tâm của các đối tượng thụ hưởng. Trình độ quản lý sản xuất kinh doanh của nhiều cơ sở còn yếu kém, chưa có kế hoạch phát triển dài hạn và chưa thật sự quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị.
Để tăng hiệu quả công tác khuyến công, Sở Công Thương các địa phương cần tham mưu UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư SXCN, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và thực hiện dịch vụ khuyến công. |
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, đại diện nhiều địa phương đề xuất, việc phê duyệt phương án kế hoạch khuyến công cần thực hiện chậm nhất là vào cuối tháng 6 hàng năm. Chậm nhất là giữa tháng 12 hàng năm, các địa phương có thuyết minh đề án cụ thể theo như kế hoạch đăng ký gửi Cục Công Thương địa phương. Sau khi được bố trí kinh phí và có hồ sơ đề án của các địa phương, Bộ Công Thương tổ chức giao kế hoạch kinh phí để sớm triển khai thực hiện. Tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho các nội dung, nhất là với các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật kỹ thuật mới, sản phẩm mới...
Trước đề xuất trên, đại diện Cục Công Thương địa phương khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét và sửa đổi phù hợp. Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch được giao, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công đã được hỗ trợ, đại diện Cục Công Thương địa phương cũng đề nghị các địa phương khắc phục ngay việc khảo sát, lựa chọn các đề án một cách dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Hướng tới hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng mô hình các cơ sở CNNT đi đầu, dẫn dắt các cơ sở khác tại địa phương và các địa phương lân cận.