Địa phương gặp khó với chính sách về cụm công nghiệp
Gỡ từng 'nút thắt', thúc đẩy xây dựng các cụm công nghiệp |
Địa phương gặp khó
Ông Quách Tất Liêm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, phản ánh: Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68) quy định về tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt trên 50% mới được triển khai cụm công nghiệp khác trên cùng địa bàn. Trong khi đó, thời gian thực hiện các thủ tục dài, gây lãng phí cho doanh nghiệp nên chăng cho phép nhà đầu tư làm cuốn chiếu.
“Những quy định về chuyển đổi đất rừng, đất lúa từ 10ha trở lên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp hay khu thiết chế để làm nhà ở cho công nhân cũng cần được “nới” hơn để thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Quách Tất Liêm nói.
Ông Quách Tất Liêm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình: Địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp |
Từ thực tế địa phương, ông Phạm Bá Oai- Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hoá cũng, chỉ ra: Nghị định 68 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68 (Nghị định 66) đã tạo hành lang pháp lý tốt cho hình thành, quản lý cụm công nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hoá cũng cho rằng: Trong quy hoạch cụm công nghiệp, hiện các địa phương đang đề xuất điều chỉnh các quy định, trong đó những điều chỉnh nhỏ thì phân cấp cho địa phương nhưng phải nêu rõ nội dung nào phải báo cáo Bộ, nội dung nào chỉ báo cáo tỉnh để tránh vượt thẩm quyền.
Mặt khác, quy định chỉ được thu hút đầu tư thứ cấp sau khi đã hoàn thành đầu tư hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Nên chăng cho phép cùng với đầu tư hạ tầng, có thể kêu gọi đầu tư thứ cấp và dự án thứ cấp chỉ được đi vào hoạt động khi hoàn thành hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có mẫu thống nhất về quy chế quản lý riêng trong cụm công nghiệp để không trở thành rào cản.
Tại Hội nghị về Cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, đại diện nhiều địa phương phản ánh, điều khó nhất hiện nay là sự chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cụm công nghiệp.
Từ những vấn đề gặp phải trong thực tiễn triển khai, đại diện Công ty CP Đầu tư Phát triển Quốc tế Việt Á, thông tin: Việc thành lập và quyết định chủ trương đầu tư cụm công nghiệp thực hiện theo 2 quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của hai cơ quan khác nhau. Mặc dù quy trình thủ tục, nội dung tương tự nhưng do hai cơ quan thẩm định dẫn đến chồng chéo, thậm chí có thể gây vướng mắc cho doanh nghiệp bởi có thể có quan điểm khác nhau với cùng một vấn đề.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Phát triển Quốc tế Việt Á cũng phản ánh nhiều vướng mắc trong đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp |
Về ưu đãi đầu tư trong cụm công nghiệp, việc thực hiện thủ tục, điều kiện tuân thủ giữa cụm công nghiệp và khu công nghiệp tương đối giống nhau. Hơn nữa, cụm công nghiệp chủ yếu dành cho doanh nghiệp trong nước có quy mô vốn nhỏ, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh quốc tế nhưng ưu đãi so với khu công nghiệp lại kém hơn. Điều này khá bất cập.
Ở vai trò đại diện cho đơn vị thực hiện công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cũng nhìn nhận: Trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng liên quan đến cụm công nghiệp còn thiếu đồng bộ, kịp thời… dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, triển khai tại các địa phương.
Đồng bộ cao nhất có thể các chính sách liên quan đến cụm công nghiệp
Những bất cập trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã được các địa phương và Bộ Công Thương nhận diện. Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp của địa phương nhằm ban hành văn bản mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 68 và Nghị định 66 nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Nhận định về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay: Hàng lanh pháp lý trong lĩnh vực cụm công nghiệp đã khá đầy đủ tuy nhiên nằm rải rác ở nhiều văn bản. Mặt khác, sau 5 năm thực hiện Nghị định 68, 2 năm thực hiện Nghị định 66 đã phát sinh một số vấn đề từ sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, từ thực tiễn và từ những tồn tại trong lịch sử, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hai nghị định trên.
Bộ Công Thương nỗ lực đồng bộ cao nhất chính sách liên quan đến cụm công nghiệp nhằm tao thuận lợi cho quản lý, thúc đẩy phát triển |
Thứ trưởng cũng đồng thời phác ra những nét cơ bản trong định hướng sửa đổi Nghị định 66 và Nghị định 68 của Bộ Công Thương. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực đồng bộ cao nhất có thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực cụm công nghiệp, đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính. Nội dung liên quan đến thành lập CCN sẽ kế thừa tinh thần Nghị định 66, Nghị định 68 và hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.
Coi trọng yếu tố lựa chọn để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cùng đó tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao. Đây là hướng mới trong nội dung dự thảo nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị định 68.
“Liên quan đến phân cấp, phân quyền và đề xuất chỉ định một đầu mối quản lý chung, việc điều chỉnh sẽ theo hướng Bộ tập trung ban hành hành lang pháp lý chung còn lại tôn trọng quyền tự quyết của địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm.