Thái Bình đề xuất gỡ vướng cho phát triển cụm công nghiệp
Tạo cơ chế đơn giản, thuận lợi cho phát triển cụm công nghiệp Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị về Cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp |
Công tác quản lý đã đi vào nền nếp
Ông Bùi Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho hay: Xây dựng và phát triển cụm công nghiệp là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp, tỉnh Thái Bình đã thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch và xây dựng Phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Phương án này được xây dựng theo hướng tập trung vào khu vực tiềm năng, đáp ứng nhu cầu của người lao động về sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư. Địa phương cũng xác định xây dựng một số cụm công nghiệp phát triển hiện đại, chuyên ngành, có tính liên kết trong vùng, quy mô lớn và có sức cạnh tranh quốc tế.
Có thể nói, từ khi Nghị định 68, Nghị định 66 được ban hành và đi vào thực thi, Thái Bình đã hạn chế được tình trạng phân tán và hình thành được mạng lưới sản xuất công nghiệp tập trung. Những cụm công nghiệp có doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Từ đó, góp phần đầy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp toàn tỉnh, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Về mặt quản lý, Thái Bình đã xây dựng Quy chế quản lý cụm công nghiệp trong đó phân định rõ trách nhiệm của Sở Công Thương, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện và ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.. “Nhờ đó, công tác quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đi vào nền nếp”, ông Bùi Đức Hạnh nói.
Thái Bình đề xuất gỡ vướng cho phát triển cụm công nghiệp |
Ngoài chính sách ưu đãi theo Nghị định 66, Nghị định 68, Thái Bình cũng có chính sách khuyến khích khác phát triển cụm công nghiệp, như hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải …Nhưng cơ chế này có hiệu lực đến năm 2020, hiện tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành khác để tiếp tục tham mưu xây dựng chính sách mới phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Còn đó những khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ
Bên cạnh những thuận lợi trong triển khai, ông Bùi Đức Hạnh cũng cho hay: Công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp của Thái Bình vẫn gặp một số khó khăn. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đang có 3 mô hình chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp do cấp huyện làm chủ đầu tư và quản lý, có 17 cụm; cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và quản lý, có 18 cụm; cụm công nghiệp phần diện tích cũ do UBND huyện quản lý, phần mở rộng do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và quản lý. Do vậy, trong quá trình triển khai tổ chức, thực hiện công tác quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp gặp một số vướng mắc.
Cụ thể, những cụm công nghiệp do huyện quản lý và đầu tư hạ tầng ngân sách các cấp khó khăn việc đầu tưxây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, khu xử lý chất thải chưa đầu tư hoàn chỉnh.
Cụm công nghiệp được quy hoạch chủ yếu trên đất lúa, khi triển khai nhiều cụm chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp và chưa có quyết định trong kỳ quy hoạch nên khó khăn trong thực hiện.
Nhiều cụm công nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên khó hấp dẫn được nhà đầu tư thứ cấp.
Bên cạnh đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn. Có một số cụm công nghiệp tại một số nơi chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân có đất phải thu hồi do giá đền bù đất trong cụm công nghiệp thấp hơn ở ngoài.
Việc chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp do Hội đồng cấp tỉnh lựa chọn theo tiêu chí nhưng vẫn có trường hợp 2 nhà đầu tư bằng điểm nên khó trong lựa chọn.
Về thủ tục đầu tư, theo Luật đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư nhưng theo Nghị định 68 nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục này nên vướng mắc trong phối hợp thực hiện ở địa phương.
Một số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhưng quy định hiện nay không cho phép xây dựng nhà ở cho chuyên gia, người lao động trong phạm vi cụm công nghiệp nên rất khó khăn cho lưu trú của người lao động, nhất là lao động ngoài tỉnh.
Với những vướng mắc của Thái Bình, trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến của địa phương và sửa đổi, giải quyết được một phần.
Tuy nhiên, một số nội dung cần làm rõ để thuận lợi hơn cho Thái Bình cũng như các địa phương khác triển khai thực hiện.Trong đó, Dự thảo Nghị định nên quy định chi tiết hơn các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp để thuận lợi xác định tính chất nghành nghề khi thu hút đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.
Khái niệm tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp, qua thực tiễn đề nghị sửa thành tỷ lệ diện tích đất của cụm công nghiệp và diện tích đất dịch vụ cho sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; cân nhắc tỷ lệ lấp đầy trên địa bàn huyện phải đạt 50% mới đủ điều kiện thành lập và mở rộng cụm công nghiệp.
Về lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng, trong trường hợp có 2 nhà đầu tư bằng điểm, đề xuất chọn 2 điểm ưu tiên là năng lực kinh nghiệm và kế hoạch tài chính, nhà đầu tư nào có điểm cao hơn thì được chọn.
Lãnh đạo Sở Công Thương Thái Bình cũng đề nghị: Hiện 1 số cụm công nghiệp do huyện quản lý không thể chuyển giao được nhưng hạ tầng chưa hoàn thiện, Bộ Công Thương nghiên cứu đề nghị Chính phủ có kinh phí hỗ trợ hoàn thiện hạng mục này và bổ sung chỉ tiêu đất cho phát triển cụm công nghiệp.
Đề nghị Chính phủ uỷ quyền cho UBND tỉnh quyết định việc chuyển đổi mục địch sử dụng đất, bởi quy định hiện nay mất rất nhiều thời gian. “Chúng tôi đã có trường hợp mất đến 3 năm không hoàn thành, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp”, ông Bùi Đức Hạnh cho hay.