Cải tiến mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Hiện đại hay truyền thống?
Đánh thức tiềm lực sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Italia |
Với 700 năm tuổi, 152 doanh nghiệp, 1.200 hộ sản xuất và kinh doanh dịch vụ, Bát Tràng không chỉ nổi danh là làng nghề truyền thống lâu năm mà còn là làng nghề nghìn tỷ của Thủ đô.
Ông Đặng Đình Túc - Trưởng ban Đại diện làng nghề gốm sứ Giang Cao, xã Bát Tràng, thông tin, những năm gần đây các hộ sản xuất trong làng nghề lắp thêm lò ga, thay hoàn toàn lò hộp nung than, cải tạo, nâng tầng, mở rộng nhà xưởng sản suất, đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất tiên tiến, kết hợp và phát huy kinh nghiệm sản xuất thủ công truyền thống. Bát Tràng đang xây dựng quy hoạch sản xuất gốm sứ truyền thống gắn với phát triển dịch vụ du lịch.
Sản xuất tại làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Quang Minh |
“Làng nghề hiện có 2 nghệ nhân nhân dân, 6 nghệ nhân Ưu tú, 45 nghệ nhân Hà Nội, hơn 300 nghệ nhân làng nghề Việt Nam, hiện đã trình 6 hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân Ưu tú”, ông Đặng Đình Túc nhấn mạnh.
Dù rất tự hào với những gì làng gốm Bát Tràng đã đạt được, tuy nhiên, ông Đặng Đình Túc vẫn băn khoăn, sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề còn yếu so với sản phẩm cùng loại trên thị trường xuất khẩu. Nguyên do, sản phẩm chậm đổi mới mẫu mã, sản phẩm thiếu tính sáng tạo, thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt.
“Việc sáng tác mẫu mã sản phẩm theo tính tự phát, chưa có cơ sở tập trung để cho nghệ nhân, thợ giỏi sáng tác, thiết kế mẫu mã. Tại địa phương có cuộc thi bàn tay vàng của đoàn thanh niên nhưng chỉ tập trung mời thi hai năm một lần. Thiếu liên kết giữa làng nghề với các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà chuyên môn ngành thủ công mỹ nghệ”, ông Đặng Đình Túc nhấn mạnh.
Nhìn nhận ở phạm vi rộng hơn, TS. Nguyễn Thị Thu Hường - Trường Đại học Mở Hà Nội, cho hay, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dù đẹp, độc đáo nhưng vẫn tồn tại những hạn chế. Trong đó, mẫu mã thủ công mỹ nghệ được nhận định còn đơn điệu; sản phẩm mang tính khác biệt hóa chưa cao nên khó cạnh tranh với nhiều sản phẩm thủ công của các nước khác.
Mặt khác, doanh nghiệp còn chậm đổi mới mẫu mã hoặc sản phẩm thiếu tính sáng tạo, đôi khi, sản phẩm sản xuất chưa thật sự đúng với nhu cầu khách hàng. Hoặc các thiết kế chỉ làm theo đơn hàng từ khách hoặc sao chép mẫu mã có sẵn trên thị trường. Một số sản phẩm thiết kế mới thiếu tính sáng tạo, ý tưởng thiết kế chưa xuất pháp từ nhu cầu của từng thị trường.
TS. Nguyễn Thị Thu Hường cũng nhận định, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng việc mở rộng thị trường vẫn khó khăn do sản phẩm các năm sau ít có sự đổi mới, đa dạng so với các sản phẩm của đợt hàng trước; một số sản phẩm chưa thực sự có tính ứng dụng thiết thực, hiệu quả (sản phẩm vừa cần có tính trang trí nhưng cũng cần có giá trị sử dụng cao).
Các sản phẩm của làng nghề đa phần chưa có thương hiệu hàng hóa, mẫu mã, kiểu dáng thay đổi chậm nên sức cạnh tranh kém. Các mẫu thiết kế của nước ta còn thiếu tính thương mại nên rất khó để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Đổi mới mẫu mã sản phẩu thủ công mỹ nghệ là vấn đề được bàn thảo lâu nay, tuy nhiên đổi mới hoàn toàn theo xu hướng hiện đại, hay cải tiến sản phẩm truyền thống. Ngay cả việc cải tiến như thế nào để giữ được nét tinh hoa truyền thống lại đưa được vẻ hiện đại vào sản phẩm, đáp ứng được công năng sử dụng là vấn đề khó.
Giải pháp cho vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh vai trò chủ động của doanh nghiệp, làng nghề. Trong đó, cơ sở làng nghề phải đầu tư nghiên cứu thị trường từng đối tượng khách để sản xuất ra những sản phẩm có mẫu mã, màu sắc phù hợp. Việc khảo sát có thể thực hiện online để tiết kiệm chi phí và thu được thông tin nhanh chóng.
Với vai trò kiến tạo chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, trong đó quan tâm đến các nghệ nhân để kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống và phù hợp nhu cầu của xu thế hội nhập. Việc giảng dạy tạo mẫu sản phẩm, khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng quảng bá rộng rãi trên trang thương mại điện tử những thành tựu mới, sáng tạo mới về mẫu mã.
TS. Nguyễn Như Chinh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đồng tình, muốn sản phẩm thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ hơn nữa phải “bật” được khỏi tư duy truyền thống mới tiếp tận được sâu với thị trường. Tuy nhiên, tinh hoa văn hóa Việt là một yếu tố quan trọng trong khai thác chất liệu để tạo nên những mẫu mã, kiểu dáng thiết kế mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp với nhu cầu của thị trường.
“Do đó, tính truyền thống cần được phát huy những điểm thế mạnh thay vì bảo thủ, cố hữu giữ lại những mẫu mã truyền thống không còn phù hợp với thị trường”, TS. Nguyễn Như Chinh bày tỏ. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh, để phát triển mẫu mã sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp cần có sự "bắt tay" của nhà thiết kế và nhà sản xuất.