Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam: 40-50 tỷ đồng cho hoạt động khoa học và công nghệ
Cơ giới hóa khai thác than hầm lò giúp nâng cao năng suất
Ông Kiều Kim Trúc - Phó Trưởng ban KHCN Vinacomin cho biết, từ năm 2009, Vinacomin đã xây dựng Quỹ phát triển KHCN để hỗ trợ các đề tài, dự án KHCN thuộc các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Từ nguồn quỹ này, Vinacomin đã xây dựng chương trình KHCN trọng điểm dài hạn, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề cần giải quyết như hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản; phát triển công nghệ sàng tuyển, chế biến sâu khoáng sản; phát triển sản xuất sạch hơn, an toàn hơn, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực KHCN…. “Với khoản đầu tư lên đến 40-50 tỷ đồng mỗi năm cho việc nghiên cứu, đầu tư phát triển tiềm lực KHCN, các đề tài nghiên cứu đã mang lại hiệu quả đáng kể cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinacomin” - ông Trúc cho hay.
Cụ thể, với đặc trưng ngành khai thác than đòi hỏi ngày càng xuống sâu, Vinacomin đã tập trung triển khai các nhiệm vụ KHCN nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản như cơ giới hóa khai thác các vỉa dày, dốc đến 350 bằng dàn chống tự hành chế tạo tại Việt Nam; nghiên cứu các giải pháp công nghệ và thiết kế khai thác hỗn hợp hầm lò và lộ thiên; nâng cao mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa khai thác than hầm lò…. Các giải pháp này đã giúp năng suất khai thác than tăng lên đáng kể. Đơn cử như tại Công ty Than Thống Nhất, nhờ cơ giới hóa đồng bộ khâu khai thác than hầm lò ở tất cả 11 lò chợ bằng máy khấu combai, xe khoan tự hành, băng tải vận chuyển than..., năng suất khai thác ở mỗi lò chợ đã tăng từ 40-50 nghìn tấn/năm lên 80-120 nghìn tấn/năm.
Bằng nguồn quỹ KHCN, Vinacomin cũng hỗ trợ các đơn vị trong tập đoàn phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sử dụng than, khoáng sản như công nghệ khai thác và tuyển khoáng hợp lý quặng thiếc sa khoáng, tuyển than cám chất lượng thấp bằng thiết bị tuyển xoáy lốc huyền phù tự sinh, công nghệ tuyển tận thu khoáng sản có ích trong quặng thải của xưởng tuyển chì - kẽm nhằm tận thu tài nguyên, bảo vệ môi trường.… Để nâng cao chất lượng tuyển than và tận thu tài nguyên, Viện KHCN mỏ - Vinacomin đã thiết kế, xây dựng và phối hợp với các đơn vị trong ngành lắp đặt và đưa vào hoạt động 15 dây chuyền tuyển than bã sàng và than chất lượng xấu tại các công ty than Uông Bí, Núi Béo, Mạo Khê, Ðèo Nai, Cọc Sáu, Quang Hanh, Hà Lầm.… Nhờ đó, lượng than được tận thu tăng 20-30% so với công nghệ cũ. Đồng thời, nhờ tự động hóa, các giải pháp này cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Vinacomin là một trong những đơn vị làm tốt công tác thiết kế, chế tạo, nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện, tự động hóa để phục vụ cho công tác khai thác, sản xuất than. Theo đó, Viện KHCN Mỏ đã nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt các hệ thống giám sát điều độ tập trung, tự động hóa sản xuất cho các nhà máy tuyển, các mỏ than và khoáng sản nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành và đảm bảo an toàn lao động, từng bước hiện đại hóa các khâu công nghệ trong sản xuất. Bên cạnh đó, đến nay, viện đã đủ khả năng sửa chữa, cải tạo hệ thống điều khiển đo lường cho Nhà máy luyện đồng Lào Cai, Nhà máy điện phân kẽm Thái Nguyên và thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống điểu khiển đo lường và thông tin liên lạc cho dây chuyền công nghệ Nhà máy tuyển boxit Nhân Cơ…. Việc Viện KHCN mỏ có thể tự triển khai các hoạt động này đã giúp các DN ngành than tiết kiệm chi phí đáng kể do không phải thuê dịch vụ bên ngoài.
Ngoài các hoạt động chính nêu trên, các đơn vị thuộc Vinacomin cũng đã tập trung nghiên cứu công nghệ khai thác than trong các điều kiện đặc biệt, trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KHCN, phát triển mô hình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an toàn…. Ông Kiều Kim Trúc khẳng định: “Trong thời gian tới, Vinacomin sẽ tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí dành cho KHCN nhằm áp dụng các giải pháp KHCN, các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững toàn tập đoàn”./.
Bảo Ngọc