Tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng Thủ đô
Còn nhiều tồn tại
Những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại nhiều địa phương trên cả nước, các đô thị lớn đã có đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập diện mạo mới cho đất nước.
Với vai trò và tính chất quan trọng hàng đầu, lĩnh vực giao thông vận tải được xem là xương sống đối với sự phát triển của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Để thực hiện tốt vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng và cả nước, Hà Nội đang đẩy mạnh khâu quy hoạch hạ tầng giao thông.
Cụ thể, về hạ tầng giao thông, Hà Nội đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận như kết cấu hạ tầng giao thông đã được xây dựng đồng bộ bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy. Mạng lưới giao thông đã chú ý tới liên kết khu vực, liên kết vùng và cả quốc gia. Trong phát triển đã tiếp cận được với xu thế hiện đại của thế giới như đường sắt đô thị, đường trên cao với áp dụng công nghệ mới trong quản lý.
Hà Nội cần phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Ngọc Hoa |
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, bên cạnh thành công đạt được, Hà Nội còn bộc lộ một số tồn tại trong hệ thống giao thông, như mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị, gia tăng dân số.
Cụ thể, Hà Nội cần 20 - 25% diện tích đất xây dựng đô thị trung tâm dành cho diện tích đất giao thông, nhưng đến nay mới chỉ đạt xấp xỉ 12%. Riêng về giao thông tĩnh cần 3 - 4% diện tích, song đến nay chỉ đạt 0,4%.
Ngoài ra, vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân, nên càng gây áp lực về giao thông. Điển hình là, Hà Nội cần đạt 30 - 35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, nhưng đến nay, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng song mới chỉ đạt 20%.
“Hà Nội chưa có chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, bến, bãi đỗ xe. Đây là thách thức lớn nhất khi muốn đổi mới mô hình giao thông", ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối là một trong những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của vùng. Nhận định về vấn đề này, chuyên gia cho biết, bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy để phát triển đất nước bền vững cần phải có sự liên kết vùng: Vùng liên tỉnh, vùng liên huyện.
Theo ông Nghiêm, việc liên kết không chỉ là phát huy thế mạnh từng địa phương mà còn hỗ trợ, tạo động lực để giải quyết áp lực, khó khăn cho từng địa phương, tạo các chuỗi liên kết hình thành năng lực của cả nước.
Đặc biệt với Hà Nội cần xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện vai trò chủ động trong vùng, nhất là về quản lý dân số, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông.
"Trong giai đoạn tới, với định hướng tốc độ đô thị hóa cao và đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập, sẽ tiếp tục tạo sức ép lớn về phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường. Để thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, một trong những hướng đột phá với Hà Nội là phải tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng với trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, nhất là với các đô thị lớn và liên kết vùng" - ông Nghiêm cho hay.
Tạo đột phá từ... hạ tầng giao thông liên vùng
Chỉ ra khó khăn và giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông hiện nay, theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Theo đó, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân ngày càng nhiều. Ảnh: Ngọc Hoa |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai để mở rộng không gian phát triển của thành phố. Đặc biệt, ưu tiên triển khai Vành đai 4, các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long và các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực.
Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai. Trong đó, đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, khi các vùng đều phát triển, liên kết vùng sẽ tạo thuận lợi để Hà Nội phát triển xứng tầm là Thủ đô, là thành phố "Văn minh - Văn hiến - Hiện đại".
Đặc biệt, theo chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm, mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 sẽ được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đặc biệt, Luật nhấn mạnh việc liên kết, phát triển vùng của thành phố Hà Nội không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Vùng Thủ đô hiện nay mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác, khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc về quy hoạch với các vùng kinh tế - xã hội hiện đã được xác định.