Phát triển hạ tầng giao thông kết nối công nghiệp Tây Ninh và Bình Dương
Quy hoạch Bình Dương đến năm 2030: Công nghiệp, dịch vụ, đô thị là trụ cột tăng trưởng 9 tỉnh muốn phát triển mô hình khu công nghiệp như ở Bình Dương |
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, ngày 12/5, tại tỉnh Tây Ninh, đã diễn ra hội nghị ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Tây Ninh và Bình Dương giai đoạn 2023 - 2025.
Lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2023-2025 |
Theo đó, tỉnh Tây Ninh và Bình Dương sẽ cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ tăng cường hợp tác đẩy nhanh tiến độ dự án kết nối vùng như quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa và thống nhất quy hoạch 2 tuyến đường và cầu kết nối từ ĐT.789 (Tây Ninh) với ĐT.744 (Bình Dương).
Cùng với đó, thống nhất đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Sài Gòn đạt tiêu chuẩn theo quy hoạch.
Đặc biệt, hai địa phương sẽ tạo điều kiện cho Tổng công ty Becamex IDC nghiên cứu, triển khai đầu tư dự án Khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, hỗ trợ, chia sẻ thông tin về công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch khu công nghiệp, đô thị, cũng như thông tin về cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực: phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng...
Đáng chú ý, tại hội nghị ký kết hợp tác, Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đề xuất nhiều ý tưởng phát triển hạ tầng giao thông không chỉ kết nối giữa hai tỉnh Bình Dương - Tây Ninh, mà còn tạo hành lang để giao thương với nước bạn Campuchia.
Theo ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC, Bình Dương đã có kinh nghiệm phát triển công nghiệp hơn 20 năm, hàng năm Bình Dương có hơn 7 triệu container xuất khẩu hàng hóa. Chính vì vậy, Bình Dương phát triển hạ tầng không chỉ cho tỉnh mà còn để hàng hóa với các địa phương lân cận như Tây Ninh, Bình Phước đi qua.
Ông Phạm Ngọc Thuận cho rằng, Tây Ninh có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đóng vai trò rất quan trọng trong giao thương kinh tế vùng Đông Nam Bộ với Campuchia. Do đó, Tổng công ty Becamex IDC đã đề xuất ý tưởng xây dựng tuyến đường 10 làn xe để kết nối công nghiệp giữa Tây Ninh và Bình Dương.
Tuyến đường này sẽ nối từ huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), qua huyện Dầu Tiếng, huyện Dương Minh Châu và kết nối với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tuyến đường 10 làn xe này sẽ đi qua một số khu công nghiệp, qua đó sẽ kết hợp phát triển các khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại Tây Ninh.
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá cao ý tưởng, các đề xuất hợp tác của Tổng công ty Becamex IDC, Tập đoàn Cao su Việt Nam với tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Việc đầu tư phát triển các dự án chắc chắn sẽ phát sinh nhiều khó khăn. “Do đó, Lãnh đạo hai tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp cùng tham gia để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời lãnh đạo hai tỉnh thường xuyên trao đổi để tháo gỡ không chỉ trên lĩnh vực đầu tư mà còn xuyên suốt trên các lĩnh vực khác” - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cũng nhấn mạnh, sự hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Dương tại hội nghị này sẽ hình thành nên động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ giữa hai địa phương trên các lĩnh vực. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp tích cực vào phát triển chung toàn vùng…