TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics
Chi phí logistics ‘thách thức’ xuất nhập khẩu Khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm |
Tại khu vực phía Nam, mặc dù đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua 2 hệ thống cảng TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu nhưng đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu. Tuy vậy, hệ thống giao thông quá tải, thiếu đường cao tốc gây tình trạng tắc nghẽn, gia tăng chi phí nhân lực, vật lực.
TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics |
Nhằm giảm chi phí logistics, ông Đỗ Xuân Minh - Giám đốc Trung Tâm Dịch Vụ Logistics -Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng: Các cơ quan chức năng cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, kết nối khu vực. Thêm vào đó, các cơ quan nhà nước cùng các tổ chức doanh nghiệp cần phải phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số để tạo hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực logistics.
Trước thực trạng trên, việc tập trung phát triển hạ tầng giao thông phục vụ cho ngành logistics đang được TP. Hồ Chí Minh quy hoạch đồng bộ hơn. Cụ thể, theo Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông vận tải ở đây được quy hoạch có đủ các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa của toàn vùng Nam Bộ đi các vùng, miền khác trong nước và quốc tế.
Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Việc phát triển hạ tầng giao thông của TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo bệ đỡ vững chắc cho logistics vùng phát triển, nhất là việc liên kết đề xuất trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…
Do đó, trong đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%.
Cụ thể: Về đường bộ, đường Vành đai hiện đang được quy hoạch có 03 tuyến (Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4) với tổng chiều dài khoảng 351 km, quy mô 6-8 làn xe; đường cao tốc được quy hoạch có 05 tuyến với tổng chiều dài 292 km, quy mô 6-8 làn xe; đường quốc lộ được quy hoạch có 05 tuyến với tổng chiều dài trên địa bàn thành phố khoảng 106 km, quy mô 8-12 làn xe. Đối với đường trên cao, theo quy hoạch có 05 tuyến với tổng chiều dài 70,7 km quy mô 4 làn xe
Về đường sắt, bên cạnh tuyến đường sắt Bắc Nam, theo quy hoạch sẽ có 06 tuyến đường sắt quốc gia kết nối Vùng TP. Hồ Chí Minh với các địa phương (đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, đường sắt TP. Hồ Chi Minh - Cần Thơ, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh, Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu) với tổng chiều dài khoảng 750 km và 08 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 220 km.
Về đường thủy, theo quy hoạch sẽ có 04 hành lang vận tải thủy, 83 luồng đường thủy với tổng chiều dài 555 km; 04 cụm cảng hàng hóa với tổng công suất quy hoạch đến năm 2030 là 43,62 triệu tấn/ năm (cụm cảng trung tâm TP. Hồ Chí Minh, cụm cảng Tây Nam TP. Hồ Chí Minh, cụm cảng Đông TP. Hồ Chí Minh, cụm cảng Bắc TP. Hồ Chí Minh). Tổng sản lượng hàng hóa thông qua đường thủy nội địa năm 2022 ước đạt 65,70 triệu tấn.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh hiện đang được quy hoạch 07 cảng cạn, với năng lực thông qua hàng hóa năm 2020 – 2025 là 1,18-1,50 triệu teus, năm 2030 – sau năm 2030 là 2,32-2,74 triệu Teus. Gồm: Cản cạn Long Bình; Cảng cạn Mũi Đèn Đỏ - Cát Lái; Cảng cạn Bến Thành; Cảng cạn khu công nghệ cao; Cảng cạn Củ Chi; Cảng cạn Linh Xuân; Cảng cạn Tân Kiên
Về quy hoạch ngành hàng không, cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất được quy hoạch đến năm 2030 với năng lực khai thác 50 triệu lượt hành khách/năm, 0,8 – 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Sản lượng trong năm 2022 đạt khoảng 35.000.000 lượt hành khách. Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được quy hoạch đến năm 2035 với năng lực khai thác 100 triệu lượt hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Hiện đang được đầu tư giai đoạn 1 với năng lực khai thác 25 triệu lượt hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Hiện đang được đầu tư giai đoạn 1 với năng lực khai thác 25 triệu lượt hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.