Tâm lý tích cực đang lên trong doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam
Niềm tin ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu của Việt Nam theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khi Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý I đạt 52,8 năm 2024 – mức cao nhất kể từ năm 2022
“Chỉ số này một lần nữa tăng trên ngưỡng 50 khẳng định sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam”, Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle nhìn nhận.
Các doanh nghiệp châu Âu bày tỏ sự lạc quan về kinh tế Việt Nam, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong khi một phần ba số doanh nghiệp cảm thấy lạc quan về triển vọng quý II/2024 của riêng họ.
Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2024 (Ảnh minh hoạ) |
Sự lạc quan đang gia tăng với việc tâm lý chuyển biến tích cực trong quý sắp tới đối với nền kinh tế nói chung. Mức độ lạc quan tăng 6 điểm so với quý trước lên 45%, trong khi mức độ bi quan chỉ là 10%.
Doanh thu dự kiến nhiều hơn khi hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi dự đoán số lượng đơn đặt hàng và doanh thu sẽ cao hơn trong quý 2 năm 2024. Cùng đó triển vọng việc làm vững chắc với việc có 40% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý II.
Niềm tin đầu tư tăng lên khi việc giảm số lượng doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong quý tới, xuống còn 15% so với 23% trước đó.
“Nhìn về lâu dài, sự lạc quan này càng được củng cố, với 71% doanh nghiệp cảm thấy tích cực về triển vọng dài hạn của họ tại Việt Nam trong 5 năm tới”, báo cáo cua EuroCham nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo của EuroCham nhìn nhận, các doanh nghiệp phải đối mặt với những rào cản pháp lý ở Việt Nam cản trở việc gia nhập thị trường và đầu tư dài hạn.
Hơn một nửa số người được hỏi coi gánh nặng hành chính là trở ngại lớn cho việc thành lập và mở rộng hoạt động. 36% gặp khó khăn với các quy định khó hiểu, tạo ra sự không chắc chắn và cản trở việc hoạch định chiến lược.
Có 28% doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp phải sự chậm trễ tốn kém trong việc xin phê duyệt, không khuyến khích các dự án kinh doanh mới và tăng thêm rủi ro cho các nhà đầu tư.
Có 26% doanh nghiệp cho biết rào cản thị thực làm việc đang hạn chế chuyển giao kỹ năng và không khuyến khích chuyên môn và vốn nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng.
“Việt Nam có tiềm năng kinh tế to lớn và việc giải quyết các thách thức pháp lý là chìa khóa để hiện thực hóa tiềm năng đó một cách trọn vẹn. Việc đơn giản hóa thủ tục và thiết lập các quy định minh bạch hơn sẽ giúp cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thành công", Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle cho biết.