Thu phí ô tô vào nội đô giảm ùn tắc: Có đúng thời điểm?
Mới đây, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã họp với các sở, ngành để xem xét thông qua một số nội dung của Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề án được Uỷ ban nhân dân thành phố dự kiến trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định trong phiên họp cuối năm vào tháng 12/2024.
Theo cơ quan soạn thảo, Đề án bao gồm nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông, giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Cụ thể, xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng camera; Ứng dụng hệ thống đèn giao thông thông minh; Ứng dụng giao thông thông minh qua các ứng dụng di động; Triển khai hệ thống thu phí tự động; Hệ thống quản lý và điều hành giao thông đô thị tập trung; Phát triển các giải pháp cho phương tiện công cộng; Đào tạo và nâng cao ý thức người dân…
Với nội dung triển khai hệ thống thu phí tự động, đề án có các công việc chính là lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến đường chính và tại các trạm thu phí, giúp giảm thiểu ùn tắc và tăng cường tính minh bạch trong thu phí giao thông; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống các trạm thu phí tự động để tích hợp với hệ thống vé tháng, vé năm cho phương tiện công cộng.
Việc kiểm soát xe máy, thu phí ô tô vào nội đô còn bất cập. Ảnh: N.H |
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình - Trưởng đại diện văn phòng OCG Nhật Bản cho rằng để giải bài toán giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó ưu tiên phát triển vận tải công cộng. Ngoài ra, cần đồng bộ quy hoạch lại không gian đô thị, trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô.
Trong tương lai, nếu khu vực nội đô vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở hành chính, trường học,… thì thành phố có thu phí 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/lượt xe ô tô, người dân vẫn sẵn sàng trả phí để đi ô tô cá nhân vào nội đô vì các vấn đề cấp thiết.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải nhận định, thu phí vào nội đô chỉ là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, ông Thuỷ cho hay người Việt khi mua ô tô đã phải chi trả nhiều khoản thuế phí như thuế nhập khẩu, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đường bộ… Giờ tiếp tục quy định phải thu thêm phí vào nội đô thì rõ ràng phí chồng phí.
Theo đó, chuyên gia cho rằng trong tương lai 10 - 15 năm nữa khi hệ thống giao thông công cộng kết nối hoàn chỉnh, đời sống của người dân nâng cao, khi đó nên áp dụng biện pháp kinh tế thu phí ô tô vào nội đô để hạn chế đi lại, còn thời điểm này chưa nên thu phí ô tô vào nội đô. Ngoài ra, để giảm ùn tắc giao thông cần tăng cường thêm vai trò của vận tải hành khách công cộng.
Nhằm phát triển hệ thống giao thông công cộng, Nghị quyết số 04 thông qua đề án của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội năm 2017, yêu cầu, đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng vận tải công cộng Hà Nội phải đạt được 20% nhu cầu đi lại của người dân, đến năm 2025 vận tải công cộng phải đạt được 30 - 35% nhu cầu; sau năm 2030 là 50% nhu cầu, tuy nhiên đến nay mới đáp ứng được 19%.
Trước đó, sau khi xây dựng xong đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô với nội dung trọng tâm là xây dựng 87 trạm thu phí xe ô tô cá nhân (tính từ Vành đai 3 trở vào), đề án đã được Sở Giao thông vận tải Hà Nội báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố 3 lần.
Theo Sở Giao thông vận tải, sau lần báo cáo thứ 3 vừa qua, đề án đã cập nhật, bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó mở rộng phạm vi được lựa chọn làm ranh giới khu vực thu phí giữa nội thành và ngoại thành cho phù hợp với Luật Thủ đô mới; tăng thêm các trạm/vị trí thu phí ô tô so với các lần đã báo cáo vào năm 2020, 2022.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, thay vì chỉ dựng 87 trạm thu phí ở khu vực phạm vi ranh giới giữa ngoại thành và nội thành (được xác định từ đường Vành đai 3 trở vào), trong lần báo cáo vừa qua, đơn vị tư vấn đã khảo sát và bổ sung tăng lên hơn 100 trạm.
Bên cạnh đó, mức phí được tư vấn đề xuất cho một lượt xe ô tô loại tiêu chuẩn (từ 12 chỗ ngồi trở xuống) đi vào nội đô để thành phố xem xét, phê duyệt là từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt.
Qua khảo sát, nếu một giờ, một nút giao thông có khoảng 5.000 lượt xe đi qua Vành đai 3 để vào nội đô thì khi thực hiện đề án, lập tức sẽ giảm được khoảng 20% lượng xe không có nhu cầu đi vào nội đô. Với lưu lượng xe hiện nay, nếu vào giờ cao điểm khu vực nội đô giảm được 20% lưu lượng xe trên đường thì ùn tắc sẽ không còn phức tạp.
Hiện nay, đề án cơ bản đã xong nhưng hai nhóm giải pháp trọng tâm, quan trọng nhất vẫn đang triển khai là lập đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô và phân vùng dừng hoạt động xe máy.
Do vậy, Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu đơn vị soạn thảo phối hợp với tư vấn hoàn thiện các nội dung về chủ trương, phương hướng thực hiện thu phí xe vào nội đô để đưa vào dự thảo Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua trong kỳ họp cuối năm nay.