Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó từ nguồn hỗ trợ ngân sách
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn
Vừa qua, tại Thừa Thiên Huế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là DNNVV. Các doanh nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước khi tới nay, quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong TOP 35 thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 thế giới.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân sách |
Riêng khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40-45% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Anh Tuấn, để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, trong hơn 3 thập kỷ vừa qua, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã có những cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành một trong các động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tinh thần kinh doanh được nâng cao, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, không ít doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và có thương hiệu vươn tầm quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động. 10 tháng đầu năm 2024, có khoảng 1.150 doanh nghiệp và đơn vị thành lập mới (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới là 660 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 2.700 tỷ đồng; tăng 11% về lượng và giảm 69% về vốn so với cùng kỳ). Dự kiến đến cuối năm 2024, cấp đăng ký thành lập mới cho khoảng 800 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3.300 tỷ đồng.
“Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã đi vào thực chất và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ngoài các chính sách của trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ DNNVV như nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp lên cao hơn so với quy định tại Nghị định 80 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV; thực hiện chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ chi phí thuê kế toán cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ chữ ký số công cộng, hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết thêm.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó từ nguồn hỗ trợ ngân sách
Những năm qua, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DNNVV còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này. Thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức chủ quan và khách quan và hơn lúc nào hết cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV từ trung ương tới địa phương.
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Anh Tuấn cho biết, hiện nay công tác hỗ trợ DNNVV đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức về vai trò của DNNVV từ trung ương tới địa phương. Các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ chuyển đổi số cho DNNVV, hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho DNNVV,… đã kịp thời đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển chung của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ DNNVV từ nguồn ngân sách nhà nước vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong quy trình, thủ tục chi tiêu ngân sách. Hầu hết các hoạt động hỗ trợ DNNVV đều được triển khai thông qua hoạt động lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ (hoạt động đấu thầu), trong khi các cán bộ hỗ trợ DNNVV chưa thông thạo quy định đấu thầu và do đó mất nhiều thời gian, công sức tập trung cho công tác đấu thầu, không còn thời gian để tập trung vào nhiệm vụ chính là tổ chức thực hiện, kiểm soát chất lượng để đạt đến kết quả. Thời gian qua, Cục Phát triển doanh nghiệp đã rất nỗ lực, chủ động hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương trong công tác hỗ trợ DNNVV tuy nhiên các địa phương vẫn còn khá lúng túng”, ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Anh Tuấn, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết dựa trên lợi thế, thế mạnh của vùng, địa phương. Đồng thời, bố trí, lồng ghép nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và DNNVV nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bền vững, chuyển đổi cơ cấu, công nghệ sang hướng hiện đại, giảm thải carbon.