Tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh mới
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines khẳng định với bề dày lĩnh vực hàng không trên 30 năm, Vietnam Airlines có nhiều lợi thế cạnh tranh và phát triển, là hãng hàng không quốc gia 4 sao đang nỗ lực hướng tới trở thành hãng hàng không quốc tế chất lượng 5 sao dẫn đầu khu vực châu Á.
“Hiện nay, Vietnam Airlines có quy mô tổng tài sản gần 58.000 tỷ đồng, với đội máy bay trên 100 chiếc giữ vị trí quan trọng trong vận tải hàng không. Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2024 doanh thu Vietnam Airlines đạt 82.000 tỷ đồng (tăng 17,4% so cùng kỳ). Lãi ròng đạt gần 6.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng trị giá 3.740 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp 9 tháng cũng cải thiện đáng kể, đạt 11,9% so với mức 6,1% trong cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên có lãi trở lại nhưng Vietnam Airlines vẫn gánh lỗ luỹ kế 35.225 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 11.086 tỷ đồng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.H |
Lý giải về nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu âm, ông Đặng Ngọc Hòa cho rằng, do ảnh hưởng của “bão” Covid-19, dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng Vietnam Airlines xác định giải pháp tự thân là chính. Cùng với đó, thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế khiến cho Vietnam Airlines gặp khó khăn, thách thức.
Ngoài ra, hãng hàng không còn đối mặt với nhiều khó khăn như bất lợi về chi phí nhiên liệu cao, việc nâng cấp đội bay, bổ sung thuê, mua, bảo dưỡng tàu bay, thiếu hụt nhân lực, biến động tỷ giá, giá phục vụ tại sân bay,...do căng thẳng địa chính trị.
Theo đó, vốn chủ sở hữu Công ty mẹ tiếp tục âm, lỗ lũy kế vẫn ở mức cao, tình trạng tài chính của Tổng Công ty vẫn đang mất cân đối, các khoản nợ đến hạn và quá hạn vẫn rất lớn. Do vậy, ông Hoà cho hay thời gian tới rất cần sự hỗ trợ đồng hành của Nhà nước để lớn mạnh trong thời gian tới.
“Vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, cũng như của hãng hàng không quốc gia khi Vietnam Airlines nhận thức rõ, máy bay Vietnam Airlines bay đến đâu thì “biên giới mềm” của chúng ta mở rộng đến đấy”, Chủ tịch Vietnam Airlines cho hay.
Theo đó, Vietnam Airlines đã tiến hành tái cơ cấu và thực hiện nhiều biện pháp đối phó trước bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng không trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do hệ lụy kéo dài của Covid-19, tính đến thời điểm 30/9/2024, Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế 35.225 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của công ty âm hơn 11.000 tỷ đồng. Do đó, cổ phiếu HVN của hãng vẫn trong tình trạng bị kiểm soát.
Vì thế, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa kiến nghị, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế để Vietnam Airlines phục hồi và phát triển bền vững, trong đó có việc thông qua Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Đứng trước nhiều khó khăn, ông Hoà cho biết doanh nghiệp đã xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể vượt qua khó khăn, xây dựng tương lai, xin kiến nghị nhanh chóng được phê duyệt đề án.
Cụ thể, phần chính là tăng vốn chủ sở hữu 22.000 tỷ phát hành cho cổ đông hiện hữu, các chính sách về thuế bảo vệ môi trường và chi phí cất hạ cánh…
Theo các chuyên gia nhận định, tầm quan trọng của hàng không với nền kinh tế rất lớn. Theo tính toán trên phạm vi toàn cầu, từ năm 2003-2018, GDP tăng được 1% thì ngành hàng không tăng trưởng từ 1,28 - 2,03% và trong 20 năm qua, GDP Việt Nam cứ tăng trưởng 1% thì ngành hàng không sẽ tăng trưởng khoảng từ 1 - 1,5%.
Theo đó, hàng không không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, mà còn giữ vai trò quan trọng đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Do vậy, cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để vượt qua khủng hoảng, sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Tính đến thời điểm 30/9/2024, Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế 35.225 tỷ đồng. Ảnh: Vietnam Airlines |
Để Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm đứng đầu khu vực ASEAN, các ý kiến thảo luận cho rằng nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của ngành hàng không Việt Nam nói chung, Vietnam Airlines nói riêng.
Theo ông Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết có hai liều vắc-xin rất kịp thời đã được “bơm” cho Vietnam Airlines, đó là Nghị quyết 135 của Quốc hội về việc cho VNA được vay dưới danh nghĩa khoản tái cấp vốn lãi suất thấp và tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Nhờ đó, hãng đã vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra và hậu quả của nó.
“Nếu Nhà nước dừng ở đó, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tái cơ cấu để có thể tạo ra những khoản lợi nhuận, nhưng lỗ lũy kế còn lớn, âm vốn chủ sở hữu nhiều nghìn tỷ, nhưng tại sao một khu vực tạo ra lợi nhuận và triển vọng kinh tế tốt mà Nhà nước lại không đầu tư?”, TS. Trương Văn Phước đặt vấn đề.
Do đó, trong thời gian tới Nhà nước cần tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về lĩnh vực hàng không, du lịch, các quy định của pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, đầu tư...., nhất là đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đề bảo đảm tính linh hoạt, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở đề xứ lý khi xảy ra những sự cố bất khả kháng.
TS Trương Văn Phước đề nghị sớm phê duyệt đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines, và sửa luật chứng khoán theo hướng: “Doanh nghiệp thua lỗ nhưng với góc nhìn nhà đầu tư nếu doanh nghiệp đó có tiềm năng, nhà đầu tư vẫn có thể mua cổ phiếu phát hành tự chịu trách nhiệm quyết định. Nên tập trung vốn bằng các cơ chế thể chế làm sao mục tiêu tăng vốn cho Vietnam Airlines nhanh nhất”.
Cùng với đó, giải quyết những điểm nghẽn, cản trở phát triển đối với Vietnam Airlines, trong đó hỗ trợ mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn thực hiện những dự án đầu tư quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.