Mô hình du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ tại bản Vặt, xã Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La
Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT) tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La, gọi tắt là GREAT, do Chính phủ Australia tài trợ nhằm khuyến khích và hỗ trợ các giải pháp sáng tạo, giúp nâng cao đời sống của phụ nữ, gia đình họ và cộng đồng địa phương ở khu vực Tây Bắc Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Tại Sơn La, dự án được thực hiện tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Trên thực tế, Vân Hồ và Mộc Châu là 2 huyện có điều kiện khí hậu tự nhiên khá thuận lợi để phát triển nông nghiệp, du lịch và dược liệu của tỉnh Sơn La. Đặc biệt, mấy năm gần đây, Sơn La lại được xem như vựa trái cây của miền Bắc với nhiều sản phẩm trái cây đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, cho giá trị kinh tế cao. Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030. Trong đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng là địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với tổng diện tích tự nhiên là 206.150ha. Đây có thể xem là những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ có những bước phát triển mạnh mẽ về du lịch, nông nghiệp. Đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và hoạt động hiệu quả.
Thác Dải Yếm |
Theo đó, bản Vặt được xây dựng thành mô hình tiêu biểu trong phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Mô hình đã và đang tạo được công ăn việc làm, thu nhập cho phụ nữ địa phương đồng thời trở thành một mô hình điểm trong phát triển sinh kế cộng đồng từ làm du lịch, homestay cho các địa phương khác học tập kinh nghiệm. Mục tiêu đặt ra là giúp phụ nữ tăng thêm nguồn sinh kế, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc của người Dao. Với cách làm khoa học, hiệu quả, phát huy tối đa lợi thế sẵn có của địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, người dân, bản Vặt đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.
Ảnh trải nghiệm thi nấu ăn tại Bản Vặt |
Đến nay trên địa bàn bản Vặt đã có 19 hộ gia đình đầu tư vào làm du lịch, đến cuối năm 2019, có trên 2.000 lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng. Với sự hỗ trợ của tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam (AOP) - đơn vị đối tác của GREAT trong việc thực hiện dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng (GROW), bản Vặt đã thành lập Ban quản lý, Câu lạc bộ Homestay bản Vặt và 2 đội văn nghệ phục vụ du khách.
Mô hình đã phát huy được giá trị truyền thống của đồng bào, qua đó đã tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho phụ nữ địa phương, đồng thời mang lại những thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế và nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như bảo vệ môi trường. Các hoạt động đón tiếp, phục vụ và quảng bá cũng được các hộ gia đình chú trọng hơn, qua đó đã tạo được sự hài lòng và ấn tượng tốt trong lòng du khách khi đến với bản Vặt .
Bản Vặt đang trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn của du khách |
Tại homestay Mai Thuận, chị Đinh Thị Thuận - chủ homestay giới thiệu với chúng tôi: “Nhận thấy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa của dân tộc Thái, tôi đầu tư làm mô hình nhà nghỉ lưu trú cộng đồng. Từ khi khai trương đến nay, gia đình tôi đã đón hàng trăm đoàn khách với hàng nghìn lượt du khách tới nghỉ và trải nghiệm. Đặc biệt là vài tháng gần đây sau khi tham gia dự án cùng AOP, lượng khách đến với chúng tôi tăng lên đáng kể, thu nhập bình quân của gia đình tôi lên tới 15 - 20 triệu đồng/tháng.” Vừa nói chị vừa lấy ra một cuốn sổ, cho chúng tôi xem lưu bút ghi lại những cảm xúc và ấn tượng của du khách viết bằng các ngôn ngữ khác nhau về homestay Mai Thuận. Ðây chính là sự yêu mến của khách hàng dành cho homestay, cũng là động lực để homestay này phát triển mô hình du lịch cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Homestay Mai Thuận |
Tương tự là hộ bà Hà Thị Nhúm - Homestay Toàn Cúc, đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư làm nhà nghỉ du lịch cộng đồng. Từ khi tham gia dự án cùng tổ chức AOP, gia đình bà không những được hỗ trợ vay vốn để nâng cấp homestay mà còn được tham gia nhiều khóa đào tạo nâng cao kỹ năng ngành dịch vụ, lãnh đạo tổ nhóm cũng như tham quan học hỏi mô hình du lịch cộng đồng thành công khác. Bà Nhúm cho biết, từ khi tham gia dự án, bà thấy tự tin hơn rất nhiều, chị em phụ nữ trong bản ngoài được phát triển về kinh tế thì còn nâng cao sự tự tin và bình đẳng hơn so với trước đây.
Mô hình du lịch cộng đồng bản Vặt đã thu hút đông đảo du khách đến Mộc Châu, làm thay đổi diện mạo làng quê, đời sống người dân và phụ nữ không ngừng được nâng cao. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, trong thời gian tới bản Vặt sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng làm phong phú thêm các điểm, tour, tuyến du lịch gắn với thiên nhiên, gắn với cộng đồng tạo sự bền vững trong phát triển du lịch địa phương.
Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng do tổ chức AOP thực hiện với sự hỗ trợ của GREAT dự kiến sẽ mang lại gần 100 việc làm mới và tăng thu nhập cho 450 phụ nữ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, dự án cũng kì vọng 80% chị em phụ nữ tham gia sẽ tăng sự tự tin, nhiệt tình và tự tôn.