Lý do giá hồ tiêu nội địa “bốc hơi” 21.000 đồng/kg?
Hồ tiêu “sốt giá hơn vàng” vì sao? Hồ tiêu liên tục lập đỉnh giá, “vàng đen” Việt Nam thời gian tới ra sao? Giá hồ tiêu tăng sốc, doanh nghiệp xuất khẩu lo thiếu hụt hàng |
Giá hồ tiêu trong nước hạ nhiệt
Thị trường hồ tiêu trong nước hôm nay (13/6) quay đầu giảm mạnh 16.000 – 21.000 đồng/kg tại các vùng trọng điểm so với ngày hôm qua (12/6). Giá tiêu trong nước ở quanh mốc 158.000 đồng/kg, giá mua cao nhất tại các tỉnh Đắk Nông, Bà Rịa, Đồng Nai là 160.000 đồng/kg. Giá tiêu Đắk Lắk thu mua ở mức 160.000 đồng/kg, giảm 19.000 đồng/kg, Chư Sê (Gia Lai) được thu mua ở mức 155.000 đồng/kg, giảm 21.000 đồng/kg, giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ở mức giá 160.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ giá tiêu hôm nay giảm 16.000 – 21.000 đồng/kg. Theo đó, tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 16.000 đồng/kg xuống mức 160.000 đồng/kg, Đồng Nai giảm 16.000 đồng/kg xuống mức 160.000 đồng/kg và khu vực Bình Phước ở mức 155.000 đồng/kg giảm 21.000 đồng/kg.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch 13/6, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 6.449 USD/tấn (giảm 0,03%); giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 8.500 USD/tấn (tăng 3,53%); giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu nội địa đột ngột giảm mạnh. Ảnh: notnicesm |
Giá tiêu trắng Muntok 8.417 USD/tấn (giảm 0,04%); giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam đồng loạt tăng mạnh, giao dịch ở 7.300 USD/tấn (tăng 16,25%) với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 7.800 USD/tấn (tăng 16,25%); giá tiêu trắng ở mức 10.700 USD/tấn (tăng 20,83%).
Theo chia sẻ của một số chuyên gia ngành hàng, việc giá tiêu sụt giảm đột ngột hôm nay chủ yếu do thị trường bị đầu cơ “quá nóng” trong 2 tuần trở lại đây và thị trường cần có sự điều chỉnh để cân bằng trở lại.
Trước đó, giá hồ tiêu nội địa đã duy trì mạch tăng giá mạnh, kéo dài xuyên suốt gần hai tuần qua, liên tục thiết lập các mức giá cao kỷ lục mới. Theo các chuyên gia ngành hàng và đại lý thu mua tiêu, đà tăng “nóng” hiện nay một phần đến từ việc các thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua tiêu trở lại sau thời gian dài vắng bóng.
Bên cạnh đó, diện tích trồng tiêu tại các vùng trồng lớn ở Tây Nguyên hiện đã bị thu hẹp so với trước đây do bà con nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, khiến sản lượng tiêu giảm dần qua các năm. Những yếu tố trên đang khiến các đại lý lẫn doanh nghiệp rất khó kiếm nguồn hàng để chuyển cho đối tác.
Mặc dù mức thu mua chưa nhiều nhưng cũng thúc đẩy thị trường trở nên sôi động hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung tiêu khan hiếm và các nước sử dụng nhiều tiêu của Việt Nam đã liên tục tăng mua từ đầu năm đến nay như Mỹ, EU…
Dựa trên quan hệ cung - cầu, giá tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới, khó có thể giảm về các mức thấp như trước đây. Giá tiêu hiện được nhiều chuyên gia và tổ chức ngành hàng dự báo có thể vượt đỉnh của chu kỳ giá trước (250.000 đồng/kg) trong bối cảnh nguồn cung tiêu thấp nhưng nhu cầu toàn cầu đang tăng trở lại.
Giá xuất khẩu tăng vọt hơn 20% sau 1 ngày
Trong tháng 5/2024, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng.
Dữ liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, giá nhập khẩu tiêu bình quân vào nước này đạt mức 4.576 USD/tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Indonesia và Việt Nam là hai nguồn cung tiêu lớn nhất.
Đáng chú ý, thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 50,7% trong 4 tháng đầu năm nay, so với mức 60,21% của cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng lên mức 37,5%, so với mức 32% của 4 tháng đầu năm 2023.
Giá tiêu các loại của Việt Nam được điều chỉnh tăng mạnh thêm tới 20%. Ảnh: Dashboard |
Theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), trong ngày 11/6, giá tiêu các loại của Việt Nam được điều chỉnh tăng mạnh thêm tới 20%.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh do Brazil và Việt Nam là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu, đang có sản lượng sụt giảm bởi thời tiết El Nino gây hạn hán. Nguồn cung ở các nước Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka cũng bị hạn chế.
Bên cạnh đó, những yếu tố khác ngoài cung cầu đẩy giá hồ tiêu tăng phi mã phải kể đến giá cước vận tải biển. Chỉ số container toàn cầu, đại diện cho giá cước vận tải container giao ngay trên các tuyến vận tải quốc tế lớn đã quay về vùng đỉnh của dịch Covid-19.
Hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Linerlytica cho biết, các cảng tại khu vực Đông Nam Á đang trở thành “nút thắt nghiêm trọng nhất” đối với hoạt động vận tải hàng hải thế giới, khi 26% sức chở container toàn cầu đang bị kẹt ở khu vực này.
Điều này đã cấy vào giá thành sản phẩm khiến hàng hóa tăng cao thời gian qua. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ trong nước cũng được coi là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng tăng giá hiện nay. Thị trường còn được thúc đẩy bởi lực mua tăng cao theo từng tháng từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh giá tiêu tăng “chóng mặt”, một số chủ đại lý thu mua nông sản quy mô lớn cho hay, đang tích cực tìm kiếm nguồn cung tiêu nhưng do vụ thu hoạch đã qua lâu, giá lại đang tăng “nóng” theo từng ngày nên rất khó kiếm nguồn hàng. Bà con nông dân đều kỳ vọng sẽ giá còn tiếp tục tăng nên vẫn đang cố gắng giữ hàng dự trữ để bán với giá tốt nhất, chỉ bán ra nếu như có nhu cầu đột xuất.
Theo đánh giá, về dài hạn trong 3-5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới.