Hồ tiêu liên tục lập đỉnh giá, “vàng đen” Việt Nam thời gian tới ra sao?
Giá tiêu năm 2024 sẽ ra sao? Doanh nghiệp tuần qua: 'Vua hồ tiêu' Phúc Sinh Group được định giá 320 triệu USD Hồ tiêu “sốt giá hơn vàng” vì sao? |
Hồ tiêu liên tục sốt giá
Tính chung cả tuần này, cơn “sốt giá” hồ tiêu liên tục tăng nhiệt, tăng thêm khoảng 20.000 đồng/kg trong tuần, nhiều nơi vượt mốc 160.000 đồng/kg, xác lập tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 9/6, giá tiêu đạt kỷ lục cao chưa từng có.
Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông lên tới 162.500 đồng/kg, Gia Lai 162.000 đồng/kg, Bình Phước 161.000 đồng/kg, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đồng giá 162.000 đồng/kg.
Đồng thời, trên thị trường quốc tế, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cũng điều chỉnh tăng từ 17% - 30% giá hồ tiêu các loại của Việt Nam, đẩy giá lên mức cao kỷ lục nhiều năm trở lại đây.
Cơn “sốt giá” hồ tiêu liên tục tăng nhiệt. Ảnh: permacultureplants |
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, giá hồ tiêu hiện đã bước vào chu kỳ tăng giá mới. Động lực tăng giá trên thị trường hiện vẫn là câu chuyện nguồn cung thấp khi vụ thu hoạch đã kết thúc và sản lượng vụ vừa qua thấp, nhưng nhu cầu vẫn ở mức cao.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, IPC niêm yết giá hồ tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 5.635 USD/tấn, tăng 0,37%; giá hồ tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.700 USD/tấn; giá hồ tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá hồ tiêu trắng Muntok 7.425 USD/tấn, tăng 0,38%; giá hồ tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá hồ tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 6.500 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 6.700 USD/tấn; giá hồ tiêu trắng ở mức 9.500 USD/tấn.
Dự báo “vàng đen" của Việt Nam cán mốc xuất khẩu 1 tỷ USD
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), nhu cầu nhập khẩu tiêu của Trung Quốc trong những tháng đầu năm ở mức thấp do lượng tồn kho của năm trước vẫn còn. Song có dấu hiệu cho thấy, trong quý II này Trung Quốc sẽ tham gia thị trường, đầu tiên là mặt hàng tiêu trắng và sau đó là tiêu đen. Năm ngoái, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam với khối lượng nhập khẩu lên đến hơn 60.000 tấn.
Bên cạnh Trung Quốc, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ và châu Âu cũng đạt mức cao nhất trong 4 - 5 năm trở lại đây.
Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được tổng cộng 114.424 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch thu về 493,1 triệu USD, giảm 13,2% về lượng tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 5 tháng đạt 4.197 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.804 USD/tấn, tăng lần lượt 754 USD đối với tiêu đen và 849 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm 2023.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng với khối lượng đạt 30.466 tấn, chiếm 26,6% và so cùng kỳ tăng 44,4%. Xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường lớn khác cũng tăng mạnh như: Đức tăng 103,2%; Ấn Độ tăng 39%; Hà Lan tăng 48,6%; Italy tăng 179%; Nga tăng 49,7%… Riêng Trung Quốc giảm 89,4% xuống còn 4.871 tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hàng đầu của Việt Nam trong 5 tháng gồm: Olam Việt Nam đạt 10.762 tấn, tăng 56,7%; Nedspice Việt Nam đạt 8.749 tấn, tăng 15,8%; Haprosimex JSC đạt 8.113 tấn, tăng 51,1%...
Cục xuất nhập khẩu dự báo, giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tớiẢnh: indiatvnews |
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, giá hồ tiêu trong nước đạt mức cao nhất 8 năm. Brazil và Việt Nam là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu, với sản lượng sụt giảm bởi thời tiết El Nino.
Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Tuy nhiên, điều này khó có thể cản trở "vàng đen" của Việt Nam cán mốc xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm nay.
Ngoài ra, với mức giá ngày càng tăng như hiện nay, tâm lý chung của bà con trồng hồ tiêu rất mừng và vẫn muốn giá tăng thêm, đây cũng là mong muốn và thành quả hưởng lợi xứng đáng cho bà con vì có thời điểm giá hồ tiêu rơi vào chu kỳ rất thấp. Nhưn trong bối cảnh giá tiêu tăng nóng, doanh nghiệp khó chủ động nguồn hàng, đồng thời phải đối mặt với khó khăn kép do chiến tranh, cước vận tải tăng cao, rủi ro thương mại… Do đó, việc hài hòa chia sẻ lợi ích lúc này là hết sức quan trọng, để tất cả các bên cùng có lợi.