Lo ngại ăn trái cây, uống siro bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn: Cục Cảnh sát giao thông nói gì?
Cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe để đảm bảo an toàn giao thông Bộ Công an: Xử lý vi phạm nồng độ cồn không ngoại lệ, không vùng cấm |
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa có chia sẻ với Báo Công Thương liên quan đến việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.
Theo Đại tá Nhật, Bộ Công an đã sớm xác định rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông. Vì vậy, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng công an, đặc biệt là cảnh sát giao thông tập trung xử lý kiên quyết, rốt ráo tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, nhằm giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn và bảo vệ người tham gia giao thông.
"Chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn là xuyên suốt, đã có rất nhiều biện pháp, phương thức, cách làm được đưa ra để kiểm soát nồng độ cồn. Từ việc các địa phương chủ động tiến hành cho đến Bộ Công an thành lập các tổ phối hợp cùng địa phương để thực hiện việc này. Thậm chí ccảnh sát giao thông còn đến cả các hàng quán dán những logo tuyên truyền sử dụng rượu bia là không lái xe…", ông Nhật nói.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ |
Vẫn theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, trong quá trình xử lý tai nạn giao thông (TNGT), lực lượng cảnh giao thông đã chứng kiến nhiều vụ tại nạn tang thương do sử dụng rượu bia gây ra.
"Nếu ai đó chứng kiến một vụ tai nạn như thế, từ lúc lực lượng chức năng khám nghiệm tử thi, lúc đưa về với gia đình và cho đến vài tháng sau quay lại gia đình nạn nhân mới thấy mất mát, đau thương thế nào. Vụ tại nạn làm mất đi người thân của mình, hơn nữa lại là một người trụ cột trong gia đình thì bất kỳ ai cũng sẽ hiểu, vì sao phải cấm sử dụng rượu, bia lái xe", ông Nhật chia sẻ.
Đại tá Nhật cho biết, nhờ sự kiên quyết, liên tục, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm nồng độ cồn mà tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí. Theo đó, 9 tháng đầu năm nay xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ 2022 đã giảm gần 26%, người chết giảm 50%, bị thương giảm gần 23%. Bên cạnh đó, kết quả xứ lý vi phạm nồng độ cồn đã được đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt quần chúng nhân dân ủng hộ và có tác động lớn đến xã hội.
"Câu chuyện về xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, những khảo sát gần đây cho thấy, đã có những lễ cưới không có rượu, bia. Có những bữa cơm gia đình ai phải lái xe chắc chắn là sẽ không uống rượu, bia. Ngoài ra hiện nay ở các hàn quán còn có hàng loạt dịch vụ lái xe về nhà an toàn rất văn minh, chủ các nhà hàng cũng có dịch vụ chở khách say về nhà. Những tư duy đó cho thấy đã có thay đổi, chuyển biến nhận thức trong xã hội. Mục tiêu là phải tạo ra thói quen đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa”, đại tá Nhật cho hay.
Trước ý kiến lo ngại của một số người dân cho rằng, dù không sử dụng rượu, bia mà thay vào đó là loại hoa quả, thuốc ho, nước súc miệng, nước trái cây lên men… khi kiểm tra vẫn vi phạm nồng độ cồn, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin: Cục CSGT khẳng định, ngay khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực vào năm 2020, cơ quan này đã thực nghiệm trên 150 test thử với nhiều loại hoa quả, thuốc ho, nước súc miệng, nước trái cây lên men…
"Kết quả cho thấy, người ăn, uống các loại này không ghi nhận trong cơ thể có nồng độ cồn", ông Nhật nhấn mạnh.
Đặc biệt, lãnh đạo CSGT cho biết, các tổ công tác kiểm tra người vi phạm theo hai bước định tính và định lượng. Do đó, không có chuyện xử lý sai trường hợp không có nồng độ cồn. Công dân cũng có quyền được đề xuất lực lượng CSGT thổi lại nồng độ cồn khi cho rằng bản thân không vi phạm. Điều này đã và đang được lực lượng CSGT triển khai khi cho phép tài xế chờ trong khoảng thời gian nhất định (5-10 phút), hoặc súc miệng bằng nước... để thổi lại.
Trước băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
"Thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định này trên trong thực tế", Đại tá Nhật cho hay.