Thừa Thiên Huế: Giải thể Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động không hiệu quả do cơ chế không phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp khó trong tiếp cận vốn vay chính sách do hạn chế về năng lực, thủ tục. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Doanh nghiệp đến với Quỹ BLTD thường là doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, khó khăn về dòng tiền hay gần như mất khả năng thanh toán và các doanh nghiệp này cũng thường thiếu hồ sơ nên không đáp ứng điều kiện để được xem xét bảo lãnh tín dụng.
Bên cạnh đó, từ 1/3/2019 đến nay, Quỹ BLTD không phát sinh nghiệp vụ bảo lãnh nào. Toàn bộ vốn hoạt động của Quỹ BLTD từ khi thành lập đến nay được gửi tại các ngân hàng thương mại dẫn đến việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ BLTD chưa đúng mục tiêu.
Tháng 10/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định giải thể Quỹ BLTD, giao Hội đồng giải thể triển khai theo phương án được duyệt. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định giải thể, UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố công khai quyết định giải thể Quỹ BLTD trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trung ương. Đối với nguồn vốn của Quỹ BLTD sẽ được tỉnh Thừa Thiên Huế cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.
Mới đây, tại Hội nghị Trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác đăng ký kinh doanh và Hỗ trợ DNNVV" do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, hiện, các DNNVV trên địa bàn tỉnh chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đi vào thực chất và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ngoài các chính sách của trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ DNNVV như nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp lên cao hơn so với quy định tại Nghị định 80 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, thực hiện chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, hỗ trợ chi phí thuê kế toán cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ chữ ký số công cộng, hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới…
“Những kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, tuy nhiên, hiện các DNNVV vẫn còn gặp khó trong việc tiếp cận các cơ chế, đặc biệt là các gói tín dụng và nguồn vốn vay. Do đó, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, cần phải có sự tham gia, phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, 98% là DNNVV. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, thực sự trở thành một trong các động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ DNNVV từ nguồn ngân sách nhà nước vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong quy trình, thủ tục chi tiêu ngân sách.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế - cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp của hội tiếp cận quỹ bảo lãnh tín dụng ít, do nguyên tắc vay phải có tài sản thế chấp, nên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có tài sản để vay. Bên cạnh đó, hiện nay, lãi suất ngân hàng cho vay lưu động ngắn hạn 5 - 6 tháng về rất thấp, từ 4 - 5% nên nhiều doanh nghiệp chọn vay ngân hàng nhiều hơn.
"Là quỹ của nhà nước nên phải cẩn thận trong quá trình bảo tồn vốn và khi xét hồ sơ bắt buộc dự án của doanh nghiệp đi vay phải khả thi cao. Do đó, Quỹ BLTD giải thể hầu như không tác động đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông Đức Minh cho biết thêm.
Trước đó, tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có nhấn mạnh, với các quỹ hoạt động không hiệu quả, kiên quyết cho dừng hoạt động, giải thể.