Giải pháp nào để quản lý thuế trong thời đại số hóa tại Việt Nam?
Thủ tướng yêu cầu nâng cao quản lý thuế thương mại điện tử 8 nền tảng thương mại điện tử được áp dụng biện pháp quản lý thuế Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số |
Phát triển hệ thống thuế điện tử hiện đại đang là xu hướng chung của các nước tiên tiến, đó là những hệ thống có thể tích hợp đầy đủ các tính năng kê khai, nộp thuế, quản lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người nộp thuế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi và thúc đẩy tuân thủ nghĩa vụ thuế. Ấn Độ hiện đang sử dụng Goods and Services Tax Network (GSTN) hay Singapore với Inland Revenue Authority of Singapore (IRAS) là hai hệ thống điển hình trong việc quản lý thuế điện tử.
Nổi bật không kém là giải pháp tăng cường thu thập, khai thác và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để đánh giá rủi ro và phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các công cụ phân tích dữ liệu hiệu quả kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp tự động hóa quy trình quản lý và phát hiện gian lận thuế một cách chủ động. Hoa Kỳ và Hàn Quốc là hai quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa |
Chia sẻ tại buổi Hội thảo Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số vào ngày 13/5, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế, cho biết: “Hiện ngành thuế đã xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn; bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu hoá đơn điện tử (HĐĐT) để phát hiện rủi ro giá bất thường, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ”.
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nêu ý kiến tại Hội thảo |
Bà Ngô Thị Thùy Linh - Phó Trưởng ban, Ban Quản lý rủi ro Tổng Cục Thuế, chia sẻ: “Quản lý rủi ro tuân thủ là phương thức quản lý thuế hiện đại, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đặc biệt trong bối cảnh số lượng người nộp thuế tăng nhanh với tính chất hoạt động phức tạp. Việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp ngành thuế phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung quản lý nhóm người nộp thuế có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất, từ đó xử lý rủi ro phù hợp, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ”.
Nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp chống gian lận thuế đang được các nước trên thế giới áp dụng một cách quyết liệt. Điều này thể hiện qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định chống gian lận trong nền kinh tế số, tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các đối tượng có rủi ro cao và áp dụng chế tài xử phạt nghiêm minh. Liên minh châu Âu với Chỉ thị chống gian lận thuế (ATAD) hay Nhật Bản với Luật chống gian lận thuế là hai ví dụ tiêu biểu.
“Theo khảo sát của một số tổ chức uy tín, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao việc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý thuế bởi phương pháp này sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ luật thuế hiệu quả hơn và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy công bằng thuế", ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội thảo |
Để cải thiện việc quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro tại Việt Nam, ông Phòng cho rằng: “Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro theo hướng cập nhật, bổ sung các tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro mới phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội, diễn biến vi phạm luật thuế. Áp dụng các phương pháp đánh giá rủi ro tiên tiến, khoa học hơn như: phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...”
Ngoài ra, để đảm bảo công tác quản lý thuế hiệu quả, các nước tiên tiến cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thuế. Họ không chỉ đào tạo về kiến thức, kỹ năng quản lý thuế trong nền kinh tế số mà còn trang bị cho cán bộ các công cụ hiện đại như phần mềm phân tích dữ liệu, công cụ kiểm tra thuế. Chính sách đãi ngộ hấp dẫn cũng được áp dụng để thu hút và giữ chân nhân tài.
“Cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thuế thông qua đào tạo, tập huấn cho cán bộ thuế về kiến thức, kỹ năng áp dụng quản lý rủi ro, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Mặt khác cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro…” ông Phòng nói thêm.
TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính |
TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng: “Kinh tế số Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Điều đó gây ra thách thức trong quản lý thuế như cần chuyển đổi số toàn diện ngành thuế; kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử. Do đó để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, cần kết hợp nhiều giải pháp bao gồm: hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro”.
Với kinh nghiệm quý báu từ các nước tiên tiến, Việt Nam đang có cơ hội lớn để thực hiện những đổi mới về quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên kinh tế số. Bằng nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng nền kinh tế số phát triển bền vững, với môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. |