8 nền tảng thương mại điện tử được áp dụng biện pháp quản lý thuế
Thương mại điện tử: Tăng trải nghiệm, tạo sức bật cho ngành bán lẻ Placod - Xuất khẩu hàng nông sản qua thương mại điện tử Thương mại điện tử dealtoday và những cú bắt tay mở rộng thị trường dịch vụ |
Ngày 25/4/2024, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử theo các nền tảng có hoạt động thương mại điện tử để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng: Nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử; website/ứng dụng thương mại điện tử; nền tảng mạng xã hội; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; nền tảng đại lý; nền tảng thuê bao; nền tảng quảng cáo; nền tảng kho ứng dụng.
Ngoài ra ngành Thuế cũng phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo 2 nhóm chính gồm cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước; cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới.
Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế |
Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là khả quan theo đó năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (tương đương 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu quản lý là: 3,5 triệu tỷ đồng (tương đương 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, công tác phối hợp giữa các bộ trong quản lý thương mại điện tử có nhiều chuyển biến. Bộ Công an và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về MST.
Đến nay, nếu tính trên số lượng mã số thuế không bao gồm người phụ thuộc và các mã số thuế không có nghĩa vụ thuế hoặc không có thông tin giấy tờ thì đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với cơ sở dữ liệu về mã số thuế để triển khai việc chuyển đổi sử dụng căn cước công dân làm mã số theo quy định.
Hoạt động quản lý thuế trên các nền tảng thương mại điện tử có nhiều chuyển biến |
Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu cho Tổng cục Thuế, bao gồm: dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và trên 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.
Cả 5 bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc thống nhất kế hoạch chi tiết để triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hình thức điện tử, thường xuyên, đảm bảo kịp thời hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Đăc biệt, để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh thông qua sàn thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Ngành Thuế cũng sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo nguyên tắc quản lý rủi ro.