Giá heo hơi liên tục chạm đáy, người nuôi lo thất thu vụ Tết
Giá thịt lợn hơi lại ‘chạm đáy’, người chăn nuôi thua lỗ Heo hơi rớt giá, giá thịt tại chợ ở TP. Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao Giá heo hơi quay đầu sụt giảm, nhiều nơi về ngưỡng 50.000 đồng/kg |
Tết Nguyên đán 2024 không còn xa nhưng không khí tại chợ đầu mối gia súc gia cầm tỉnh Hà Nam, nơi tập trung nhiều thương lái mua bán heo, lại khá trầm lắng.
Ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng ban quản lý chợ cho biết, gần đây, lượng heo về chợ bình quân khoảng 1.000 con/ngày, tương đương 150 tấn, nhưng lượng bán ra rất thấp, khoảng 40%, giá cũng rơi về đáy.
“Bắt đầu vào thời kỳ cao điểm phục vụ nhu cầu Tết nhưng giá heo hơi bình quân chỉ 48.000 - 49.000 đồng/kg” ông Chinh nói.
Còn ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) - nơi được coi là thủ phủ chăn nuôi heo miền Bắc - cũng cho biết, giá heo hơi đang giảm sâu nên người dân không tái đàn.
Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam rất ít người đến giao dịch. |
Theo ông Chung, hiện giá bán chỉ đạt 46.000 - 47.000 đồng/kg tại cửa chuồng. Mức giá này khiến với mỗi con heo, người chăn nuôi lỗ 400.000 - 700.000 đồng.
“Thời điểm này, trang trại nào có heo đến tuổi phải xuất bán chứ không tái đàn nữa. Tổng đàn heo toàn xã đã giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 8.000 - 10.000 con, giảm hơn 80% so với đầu năm và giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự báo, từ nay đến Tết nguyên đán, giá heo hơi cũng tăng không đáng kể nên người dân ngại tái đàn vào thời điểm này”, ông Chung nói.
Lý giải vì sao giá heo hơi liên tục giảm sâu, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân chính là do cung vượt quá cầu. Năm nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không chỉ xảy ra với người chăn nuôi đơn lẻ mà còn ảnh hưởng đến cả các trang trại chăn nuôi lớn.
“Khi các công ty bán heo chạy dịch thì giá nào cũng bán, dẫn đến ứ đọng trên thị trường. Do cung vượt cầu nên giá heo xuống sâu”, ông Đoán nói.
Bên cạnh đó, hiện giá heo của các nước xung quanh cũng giảm thấp hơn của Việt Nam nên các thương lái bên đó cũng tìm cách đưa đi tiêu thụ và đẩy về Việt Nam qua đường nhập lậu.
Cùng với đó, do tình hình kinh tế khó khăn, người dân cũng hạn chế chi tiêu, khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm.
Ông Đoán dự báo, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu của người dân tăng nên giá thịt heo có thể tăng nhưng không đáng kể.
“Giá heo hơi dịp Tết nguyên đán cũng chỉ dám kỳ vọng đến mức 60.000 đồng/kg bởi lượng cung của chúng ta còn rất lớn. Tổng đàn heo của chúng ta hiện có khoảng 29 triệu con. Trong năm 2024, các ngành chức năng cần có giải pháp về vacxin để ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong chăn nuôi”, ông Đoán nói.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận xét, do nguồn cung tăng mà sức tiêu thụ trên thị trường vẫn thấp nên giá heo hơi chịu áp lực giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 11, giá heo hơi giảm 5,34% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2,79% so với tháng trước đó, giao dịch trong khoảng 47.000 50.000 đồng/kg, có nơi thậm chí còn thấp hơn tùy phân loại.
Ở mức giá này, đa phần người chăn nuôi chịu thua lỗ, cộng thêm dịch tả heo châu Phi và rủi ro giá cả nên sau khi bán heo, nhiều người chăn nuôi đã treo chuồng, không dám tái đàn.
Theo ông Thắng, giá heo hơi cũng là một trong những mặt hàng có tác động đến chỉ số CPI, nhưng chúng ta không thể tác động, can thiệp quá sâu vào thị trường. Tuy nhiên, Bộ, Cục cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đưa ra những dự báo, cảnh báo để người chăn nuôi có những bước đi bền vững.
Nhập khẩu có ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi?
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, Việt Nam nhập khẩu 81.440 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với giá trị 158,92 triệu USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 7,5% về giá trị so với tháng 10/2022.
Riêng thịt heo, tính đến hết tháng 10/2023, nước ta nhập khẩu khoảng 95.400 tấn, giá trị đạt 239,37 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 26,1% về giá trị.
Nói kỹ hơn về việc nhập khẩu thịt heo dù trong nước dư thừa, ông Dương Tất Thắng cho biết, 11 tháng qua chúng ta đã chủ động được nguồn cung thực phẩm trong nước với hơn 95%. Còn lại một số thực phẩm khác chúng ta không có mới phải nhập khẩu.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta đã tham gia 15 hiệp định thương mại, trong đó 6 hiệp định có giá trị. Những sản phẩm chúng ta có lợi thế cũng được xuất ra nước ngoài khá nhiều.
“Khi tham gia vào sân chơi lớn thì chúng ta nhận được kết quả lớn, tuy nhiên cũng phải chấp nhận những yếu tố cạnh tranh. Năm 2022, chúng ta tiêu thụ hơn 7,9 triệu tấn thịt hơi và chỉ nhập khẩu vài trăm nghìn tấn. Đây là con số không đáng kể, chiếm vài phầm trăm tổng sản lượng sản xuất trong nước. Lượng thực phẩm nhập khẩu không ảnh hưởng gì đến sản xuất trong nước và có lợi cho người tiêu dùng”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh ngay trên sân nhà, trong đó người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất từ hàng hóa giá rẻ, chất lượng tốt. Điều này buộc doanh nghiệp, người chăn nuôi phải phát triển theo hướng bền vững, an toàn để có lợi thế cạnh tranh.
“Chỉ khi nào việc nhập khẩu ảnh hưởng đến thị trường trong nước, làm giảm sản xuất thì chúng ta mới có biện pháp can thiệp”, ông Thắng nói.