Dự báo sớm lãi suất 2023
Lãi suất tăng, doanh nghiệp xoay xở cơ cấu vốn Lãi suất tăng cao, huy động vốn của tổ chức tín dụng vẫn chậm |
Đường cong lãi suất thiết lập mức cao mới
Xu hướng tăng lạm phát kéo dài và diễn ra tại nhiều nền kinh tế trên thế giới từ đầu năm nay. Tại Mỹ, lạm phát tăng ở mức cao kỷ lục và để kiềm chế lạm phát, nước này theo đuổi biện pháp tăng lãi suất. Từ tháng 3/2022 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 7 lần tăng lãi suất, qua đó phạm vi lãi suất mục tiêu tăng lên 4,25-4,5%/năm - là mức cao nhất kể từ tháng 12/2007.
Lãi suất liên tục “phá đỉnh” trong năm 2022. Ảnh: Dũng Minh |
Việc Fed liên tục tăng lãi suất khiến USD tăng giá mạnh nhất trong 2 thập niên trở lại đây và đồng tiền của các nước khác trượt giá. USD tăng giá cũng ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả Việt Nam. Giá trị USD tăng sẽ có lợi cho các nước xuất khẩu và bất lợi cho các nước nhập khẩu bằng USD cũng như các nghĩa vụ trả nợ.
Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực để duy trì giá trị VND và để giữ ổn định tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát, NHNN đã sử dụng nhiều chính sách để can thiệp. Cụ thể, NHNN nới biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD từ +/-3% lên +/-5% từ ngày 17/10/2022, giúp tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh linh hoạt hơn so với tỷ giá trung tâm.
Song, NHNN cũng bắt đầu tăng các mức lãi suất điều hành sau khi giữ nguyên trong gần 2 năm qua và lãi suất bình quân liên ngân hàng được đẩy lên cao được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của NHNN nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá. Cụ thể, NHNN lần đầu tiên tăng lãi suất điều hành vào ngày 22/9/2022 với lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 5%/năm và lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm tăng lên 3,5%/năm. Tiếp đó, ngày 25/10/2022, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 6,%/năm lên 7%/năm.
Trong bối cảnh lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung. |
Bên cạnh đó, NHNN cũng điều chỉnh tăng các mức trần lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm; tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm. Do đó, mặt bằng lãi suất tăng mạnh từ cuối tháng 10/2022, các ngân hàng đã mạnh tay hơn khi điều chỉnh lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên và kỳ hạn dưới 6 tháng hầu hết đều áp mức tối đa. Không chỉ khối ngân hàng tư nhân, mà cả khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng lao vào cuộc đua tăng lãi suất từ cuối tháng 10.
So với cuối năm 2021, nhìn chung lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện tăng 3-4%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng. Theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng, trong đó quan trọng nhất là tăng lãi suất tiền gửi giúp ngân hàng tăng huy động vốn, cải thiện thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp kinh doanh cao điểm cuối năm.
Để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của NHNN và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, song chỉ một vài ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi về mức đề xuất vì áp lực thanh khoản cuối năm.
Thế nhưng, tại một số ngân hàng, dù đang niêm yết mức lãi suất cao nhất dưới 9,5%/năm, song nếu tham gia các chương trình khuyến mãi, hoặc đáp ứng điều kiện về lượng tiền gửi tối thiểu, mở thêm tài khoản thanh toán online… hoặc là khách VIP thì mức lãi suất thực nhận vẫn ở mức cao, khoảng 12-13%/năm.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho biết, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 6,1- 8,3%/năm, thậm chí có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm (số tiền giá trị lớn từ 1 tỷ đồng trở lên)…
Việc lãi suất huy động tăng nhanh, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện dao động từ 10-12%/năm đối với doanh nghiệp, với cá nhân còn cao hơn. Lãi vay tăng quá cao sẽ khiến người dân, doanh nghiệp dè dặt trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Do đó, xét về dài hạn, việc tăng lãi suất tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Lãi suất hạ nhiệt từ nửa cuối năm
Lạm phát đang có xu hướng dịu lại trên toàn cầu, nên áp lực tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có phần giảm bớt. Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết, sẽ bắt đầu giảm thắt chặt tiền tệ từ nửa cuối năm 2023. Theo đó, áp lực tăng lãi suất trong nước không còn lớn như trước. Đồng thời, sức ép lên tỷ giá USD/VND cũng dịu bớt nên khả năng NHNN sẽ không tăng lãi suất để ổn định tỷ giá như thời gian vừa qua, tạo dư địa để giảm lãi suất.
TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, khi áp lực lạm phát quá lớn, USD tăng giá mạnh, NHNN buộc phải tăng lãi suất. Lạm phát cơ bản tháng 12/2022 dự báo tăng trên 5,2% gây sức ép lớn lên lạm phát năm 2023. NHNN cho biết, sẽ sử dụng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tín dụng một cách thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ kinh tế phục hồi và bảo đảm an toàn hệ thống.
Theo ông Quang, trong năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái. Theo đó, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và dự kiến duy trì chính sách lãi cao đến cuối năm 2024. Như vậy, áp lực lạm phát tăng vẫn lớn, mặt bằng lãi suất cao còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu còn cao.
Trong bối cảnh lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung. Do đó, cơ quan quản lý sẽ phải nỗ lực hơn nữa để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng thời gian tới, nhất là khi lạm phát lõi có dấu hiệu tăng.
Ở góc nhìn tích cực hơn, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính nhận định, mặc dù còn chịu sức ép tăng những tháng đầu năm, nhưng lãi suất sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sẽ có có hội tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, chỉ chờ được cấp hạn mức tín dụng mới là lập tức giải ngân.
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc WiGroup - đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam cho hay, hiện tại, dòng tiền đang chịu áp lực lớn, tổng cung tiền trong nền kinh tế giảm nhẹ trong năm 2022 - điều chưa từng xuất hiện trong 20 năm qua. Trong khi đó, cung tiền cần tăng 12-13% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn do chênh lệch lớn giữa cho vay và huy động. Số liệu NHNN cho thấy, tính đến 21/12/2022, tín dụng tăng 12,87% so với cuối năm 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng 6%.
Theo ông Báu, một số tổ chức quốc tế đưa ra nhận định kém lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2023, dấu hiệu đầu tiên là số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố để cơ quan quản lý cân nhắc hỗ trợ thị trường tiền tệ để kích thích phát triển, do đó bức tranh kinh tế 2023 sẽ vẫn có những gam màu sáng, lãi suất dự báo bắt đầu giảm từ quý II/2023. Tương tự, lạm phát năm 2023 sẽ theo xu hướng tăng trong những tháng đầu năm, trước khi giảm dần sau đó.
Còn Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá. Tuy nhiên, do Fed còn duy trì chính sách lãi suất cao, NHNN sẽ khó giảm mạnh lãi suất liên ngân hàng trong những tháng tới.