Dự án “triệu đô” CCSEP Nha Trang đang vướng ở đâu?
215 du khách Đài Loan (Trung Quốc) đầu tiên quay lại Khánh Hòa Tai nạn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, 5 người thương vong |
Mới đây, Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo tình hình cập nhật thực hiện giải phóng mặt bằng dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP Nha Trang).
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, đối với 4 hạng mục (Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải phía Bắc, Xây dựng Trạm bơm nước mưa; Đường Chử Đồng Tử; Đê và kè phía Bắc sông Cái), Ngân hàng Thế giới (WB) đã có ý kiến góp ý đối với 160 phương án thuộc 4 hạng mục.
Công trình đường Chử Đồng Tử đang vướng mặt bằng. Ảnh: Đức Thảo |
Trong tổng số 81 phương án WB có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh sửa, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (HĐBT) của dự án đã tiến hành rà soát, thông qua 37 phương án được Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (Trung tâm) hoàn thiện trước khi thực hiện niêm yết công khai theo quy định. 37 phương án sau điều chỉnh đã kết thúc thời hạn niêm yết, các địa phương đã bố trí lịch đối thoại các hộ dân ngày 13 – 14/6.
Còn lại 44 phương án HĐBT chưa tiến hành thông qua vì các nguyên nhân: HĐBT chưa thống nhất hoàn toàn với một số ý kiến góp ý chỉnh sửa, bổ sung của WB, cần trao đổi, bàn bạc thêm. Do chưa có tiêu chí tái định cư, chưa thể bố trí lô tái định cư cho các hộ dân để tính toán khoản khấu trừ tiền sử dụng đất, hoàn thiện phương án. Chưa xác định giá trị lô tái định cư tối thiểu để tính toán khoản chênh lệch cần hỗ trợ đối với các trường hợp cần thiết.
Dự án CCSEP Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt thực hiện với tổng giá trị đầu tư 72 triệu USD (trong đó: 60,6 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới; 11,4 triệu USD nguồn vốn đối ứng) gồm 4 hợp phần: Mở rộng hạ tầng vệ sinh; cải thiện kết nối đô thị; bồi thường và giải phóng mặt bằng; hỗ trợ thực hiện các cải cách thể chế. Dự án triển khai tại 17 xã, phường trên địa bàn TP. Nha Trang, mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Nâng cao công suất hoạt động nhà máy xử lý nước thải phía Nam; giải quyết tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc thành phố; cải thiện vệ sinh môi trường, tăng cường khả năng thoát lũ và chống sạt lở đất hai bên bờ sông Cái kết hợp nâng cấp hạ tầng giao thông; hỗ trợ kỹ thuật và cải cách thể chế mang lại hiệu quả trong quá trình vận hành và phát huy tính bền vững... |
Đối với hạng mục Đường và kè Nam sông Cái Nha Trang, Ban QLDA đã có văn bản gửi Trung tâm về việc tách khối lượng của hạng mục Đường và kè nam sông Cái thành 2 phần (Phần 1: Đường và kè nam sông Cái và Phần 2: Đường nhánh kết nối vành đai 2). WB đã có ý kiến góp ý cho hạng mục trên là 277 phương án (bao gồm cả 2 phần). Trung tâm đang khẩn trương hoàn thiện lại theo ý kiến góp ý để trình HĐBT thông qua trước khi tổ chức tham vấn người dân theo quy trình.
Theo Giám đốc Ban QLDA phát triển tỉnh Khánh Hòa Hồ Tấn Quang: Vướng mắc lớn nhất hiện nay của việc hoàn thiện các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của tất cả các hạng mục là việc chậm ban hành tiêu chí tái định cư dẫn đến chưa thể tổ chức lựa chọn lô tái định cư và chậm xác định giá trị lô tái định cư tối thiểu để có cơ sở tính toán số tiền bù khoảng chênh lệch cho các hộ dân đủ điều kiện.
Để đảm bảo thời gian tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời đáp ứng nhu cầu của một số hộ dân bị ảnh hưởng, Ban QLDA kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho phép chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tiếp nhận mặt bằng bàn giao đối với các trường hợp bị ảnh hưởng mà WB đã rà soát phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đánh giá tuân thủ khung chính sách.
Ban QLDA cũng kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Trung tâm lập bảng tổng hợp giải trình xử lý các các ý kiến góp ý của WB, đồng thời gửi lại phương án điều chỉnh/góp ý cho WB thống nhất trước khi tham mưu UBND thành phố Nha Trang ra quyết định phê duyệt điều chỉnh.
Trước đó, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà về việc thực hiện dự án CCSEP Nha Trang. Trong thư, bà Carolyn Turk cho rằng, quá trình triển khai dự án, công tác thi công các hạng mục này bị chậm trễ nghiêm trọng vì nhiều lý do, chủ yếu liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
WB nhận thấy các phương án sửa đổi vẫn chưa tuân thủ khung chính sách tái định cư dự án và kế hoạch hành động tái định cư dự án đã được phê duyệt và cần phải điều chỉnh thêm. Mặc dù tỉnh đang thực hiện công tác điều chỉnh này, công tác thu hồi đất sẽ bị chậm thêm đáng kể.