Công nghiệp khai khoáng: Chú trọng đổi mới công nghệ
Áp dụng công nghệ mới giúp ngành khai khoáng đạt được hiệu quả kinh tế cao
Từ năm 2008, Việt Nam bắt đầu một kế hoạch tổng thể, dài hơi nhằm đưa ngành khai khoáng trở thành ngành có trình độ công nghệ đạt tầm cỡ khu vực vào năm 2015, và trình độ thế giới vào năm 2025, thông qua việc phê duyệt đề án quốc gia “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, với sự chủ trì của Bộ Công Thương. Sau hơn 5 năm triển khai, đề án này đã thu được nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng có tính ứng dụng cao, khẳng định khoa học công nghệ chính là lực lượng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của ngành khai khoáng, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
Trong các kết quả nghiên cứu, tiêu biểu là đề tài “Nghiên cứu nâng cao mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa khai thác than hầm lò, định hướng ứng dụng cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”. Đề tài đã đánh giá được khả năng áp dụng cơ giới hóa, đề xuất, lựa chọn các thiết bị cơ giới hóa trong đào lò, khai thác và vận tải than như các thiết bị khoan, máy đào lò, máy bốc xúc, máy bào than, chống giữ lò bằng giá thủy lực di động… cho 12 mỏ hầm lò ở Quảng Ninh. So với khoan nổ mìn thủ công, việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép giảm số công nhân từ 1,5-2 lần, công suất và năng suất lao động tăng 1,5-2,5 lần, giảm đáng kể tai nạn lao động.
Tiếp nối thành công của đề tài trên, Bộ Công Thương tiếp tục cho triển khai đề tài “Nghiên cứu các giải pháp nhằm đáp ứng sản lượng, nâng cao hiệu quả và mức độ an toàn các mỏ than hầm lò lộ thiên công suất lớn khi khai thác xuống sâu”. Với đề tài này, nhiều công nghệ tiên tiến như giàn chống tự hành kết hợp máy khấu than combine, xe khoan tự hành, máy khoan đường kính lớn, vận chuyển than bằng băng tải, các loại xe goòng có trọng tải đến 3 tấn… đã giúp các mỏ than tăng năng suất, tiến độ đào lò, có thể khai thác than ở những độ sâu lớn. Chẳng hạn tại Công ty Than Hà Lầm, sản lượng khai thác than đã tăng từ 30-40%, năng suất một lò chợ lên đến 20-30 ngàn tấn/tháng và 200.000-300.000 tấn/năm. Năm 2014, Hà Lầm phấn đấu đạt sản lượng khai thác 2,4 triệu tấn, gấp 10 lần sản lượng những năm 90 về trước.…
Bên cạnh đó, triển khai đề tài “Nghiên cứu tích hợp các hệ thống kiểm soát thông gió, quan trắc khí mỏ nhằm xây dựng hệ thống giám sát tập trung phục vụ quản lý an toàn khí mỏ của các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh”, kết quả đã lắp đặt đường truyền internet cho 25 trạm quan trắc khí - thông gió của 25 đơn vị than hầm lò trong Tập đoàn Vinacomin. Đồng thời, trang bị các máy tính chủ có cấu hình cao và thiết lập các bộ phận phần mềm gửi tín hiệu cũng như truy cập số liệu đo đạc của các hệ thống quan trắc khí - thông gió về máy chủ tại phòng giám sát tập trung, để góp phần tăng cường công tác quản lý an toàn khí mỏ, đề phòng sự cố chảy nổ tại các mỏ than hầm lò.
Ngoài ra, còn rất nhiều đề tài khác như “Nghiên cứu sản xuất hệ hóa phẩm mới có tính năng ăn mòn thấp ứng dụng cho xử lý hóa học vùng cận đáy giếng khoan vỉa cát kết nhằm tăng hiệu suất khai thác dầu” đã nâng cao hiệu quả xử lý vùng cận đáy giếng có nhiệt độ cao do phản ứng chậm hơn với khoáng sét, phản ứng nhanh hơn với khoáng silic. Đặc biệt, do khả năng hòa tan đá vỉa ở mức độ thấp hơn cho phép dung dịch chui sâu hơn vào các vỉa và tránh hiện tượng hòa tan quá mức góp phần bảo vệ chống sập lở. Hay đề tài “Nghiên cứu giải pháp công nghệ phục vụ xử lý lắng đọng hữu cơ trong các thiết bị khai thác dầu” đã chế tạo được hệ hóa phẩm nhiệt hóa học loại trừ lắng đọng hữu cơ, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất tại ba giếng khai thác của Vietsovpetro.…
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, muốn khai thác tài nguyên khoáng sản bền vững cần sử dụng những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại để giảm hao phí tài nguyên, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Hy vọng sẽ có nhiều hơn những công nghệ khai khoáng tiên tiến được ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam để ngành khai khoáng ngày càng hiện đại, đáp ứng kịp thời nguyên liệu cho nền kinh tế và phục vụ xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế lớn./.
Theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường…. Việc đẩy mạnh triển khai đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” sẽ góp phần không nhỏ thực hiện thành công chiến lược này. |
Quỳnh Nga