Xuất khẩu sang thị trường Indonesia: Doanh nghiệp cẩn trọng với biện pháp phòng vệ thương mại
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp qua các biện pháp phòng vệ thương mại |
Gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia - cho biết: Hiện nay Uỷ ban chống bán phá giá Indonesia đang xem xét việc tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với nhóm sản phẩm giấy màn nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan. Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và thương vụ đang theo dõi sát sự việc.
“Do vụ việc vẫn đang trong quá trình xem xét, doanh nghiệp trong nước cần bám sát thông tin thông qua website của Uỷ ban chống bán phá giá Indonesia, Bộ Công Thương và Thương vụ để được hỗ trợ trong trường hợp có quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá”, ông Phạm Thế Cường lưu ý.
Mặt khác, để thúc đẩy hạ nguồn chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, Indonesia dự kiến cấm xuất khẩu 21 nhóm hàng dưới dạng thô chưa qua chế biến từ nay đến năm 2040. Trước mắt, cấm xuất khẩu bauxit thô từ tháng 6/2023, tiếp đó là mặt hàng đồng và thiếc.
Trong danh mục 21 nhóm hàng dự kiến đưa vào nhóm hàng cấm xuất khẩu có một số nhóm hàng liên quan ảnh hưởng đến Việt Nam trên thị trường, như: Than, tôm, thuỷ sản, cua, rong biển, gỗ xẻ… “Ngoại trừ bauxit đã có thông báo chính thức cấm xuất khẩu dưới dạng thô, các sản phẩm còn lại đang được Chính phủ Indonesia xây dựng lộ trình nên doanh nghiệp cần theo dõi sát sao”, Tham tán Phạm Thế Cường một lần nữa nhấn mạnh.
Doanh nghiệp xuất khẩu cẩn trọng với các biện pháp phồng vệ thương mại tại Indonesia |
Điều tra chống bán phá giá nói riêng, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung đang là xu hướng chung được các thị trường trên thế giới áp dụng nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, Indonesia không ngoại lệ. Song song với đó, Chính phủ nước này cũng ban hành nhiều chính sách thương mại mới nhằm bắt nhịp xu hướng sản xuất xanh, thương mại xanh.
Theo đó, năm 2022, Bộ Công nghiệp Indonesia ban hành bộ tiêu chuẩn xanh cho các nhóm sản phẩm: Gạch ceramic, vải dệt, vải in; nhóm sản phẩm đồ ăn vặt-snack. Các tiêu chuẩn được ban hành nhằm giúp những ngành trên trở thành ngành sản xuất xanh. Bộ tiêu chí liên quan tới: Khâu sản xuất, như mức tiêu hao nguyên, phụ liệu sản xuất, năng lượng, nước, chất thải, lượng khí thải nhà kính…; khâu quản lý, gồm các tiêu chí về chính sách và tổ chức công ty, công tác lập kế hoạch, giám sát, đánh giá quản lý, trách nhiệm xã hội và lao động… Bộ tiêu chí được Bộ Công nghiệp ban hành để các doanh nghiệp Indonesia áp dụng tự nguyện, chưa bắt buộc. Các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí đề ra sẽ được cấp chứng nhận Công nghiệp xanh.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, việc ban hành các tiêu chí này cho thấy Indonesia đang hướng tới nền sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng để dễ dàng đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường EU, Hoa Kỳ được dự báo sẽ có yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn môi trường trong thời gian tới. Rất có thể, nước này sẽ sử dụng chứng nhận Công nghiệp xanh như là một công cụ phi thuế quan trong thời gian tới để kiểm soát hàng nhập khẩu nếu các tiêu chí này được các doanh nghiệp sản xuất Indonesia đáp ứng.
Tập trung xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng
Dù có nhiều thách thức, tuy nhiên ông Phạm Thế Cường cũng khẳng định, Indonesia là thị trường rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam khai thác. Với dân số 275 triệu người, Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu lương thực và thực phẩm, đồ uống chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tương ứng 16 tỷ USD. Thực phẩm và đồ uống nhập khẩu của Indonesia tập trung vào nhóm sản phẩm từ sữa, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, đồ uống có đường 120 triệu USD, bánh kẹo 75 triệu USD, ngũ cốc 541 triệu USD, nhóm rau củ quả chế biến đạt 222 triệu USD.
Theo đánh giá của thương vụ, phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thuỷ sản, thịt bò là những nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia. Về hoa quả đóng hộp có vải, nhãn, Indonesia không có lợi thế so sánh nhóm hàng này trong khi chưa mở cửa với quả vải và nhãn tươi của Việt Nam. Ngoài ra, còn có sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo.
Đặc biệt, thời điểm hiện tại rất thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam gia tăng kim ngạch tại thị trường này. Tham tán Phạm Thế Cường thông tin: Ngày 8/2/2023 Indonesia đã có thông báo tiếp tục nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia cho dù nước này đã bước vào vụ lúa chính. Theo Tổng thống Indonesia, lượng gạo dự trữ của quốc gia hiện khá ít chỉ 600.000 tấn. Trong khi đó, tính đến ngày 17/2/2023, lượng gạo dự trữ phải đạt tối thiểu 1,2 triệu tấn. Trước tình hình này, Indonesia quyết định tăng lượng dự trữ gạo quốc gia trong năm nay lên 2,4 triệu tấn. Tổng thống Indonesia chưa công bố số lượng gạo dự trữ sẽ phải nhập khẩu nhưng các cơ quan liên quan đang cân nhắc và dựa vào tình hình thu hoạch lúa thực tế trong vụ tháng 3 và tháng 4 năm nay.
“Sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ, từ tháng 12/2022- 2/2023, Indonesia đã phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong đợt nhập khẩu này Việt Nam và Thái Lan là 2 nước cung cấp gạo nhiều nhất cho Indonesia. Chỉ tính riêng tháng 1/2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia khoảng 86.000 tấn gạo, giá trị chiếm 24% kim ngạch xuất gạo của cả nước”, ông Phạm Thế Cường cho biết.