Xuất khẩu đối mặt nhiều khó khăn
Xuất khẩu khó khăn, logistics khó làm ăn Giá hạt tiêu giảm mạnh, xuất khẩu khó khăn do Covid-19 |
“Khó” từ thị trường
Theo Bộ Công Thương, giá hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết mặt hàng đã góp phần giảm tăng trưởng xuất khẩu chung. Giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản như nhân điều, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (giá hạt tiêu giảm tới 31,4%, cao su giảm 20,6%). Giá các mặt hàng công nghiệp chế biến cũng giảm khá mạnh như phân bón giảm 25,5%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,8%, sắt thép giảm 32%.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình |
Đáng chú ý, phân tích của Bộ Công Thương cho thấy, bối cảnh quốc tế đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của nước ta trong 2 tháng đầu năm 2023. Chẳng hạn, xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh; các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước; việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam.
Đặc biệt, đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua. Nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Tại thị trường Trung Quốc mặc dù đã mở cửa trở lại nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Thủy sản cũng là một mặt hàng chủ lực của Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn. Hiện nay xác doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.
Dù tình hình chưa mấy khả quan, tuy nhiên ở một số nhóm hàng cũng có những tín hiệu tích cực trong những tháng đầu năm như: giá một số mặt hàng như gạo, xăng dầu, than đá, chè có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm mới sớm hơn năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,42 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng nhẹ (4,3%) trong 2 tháng đầu năm 2023, ước đạt 626 triệu USD, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Nhu cầu thế giới sụt giảm
Bộ Công Thương nhận định, theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào có phần trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh sụt giảm rõ rệt. Nguyên nhân là kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như dệt may, da giày… Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.