Sầu riêng vào mùa, lưu ý gì khi ăn?
Sầu riêng là một loại trái cây khá độc đáo, vì nó mang trong mình cùng lúc cả hai thái cực là người yêu thích với mùi thơm đặc trưng hoặc rất ghét thì cảm thấy mùi rất khó chịu. Sầu riêng lạ lùng là thế nhưng nhiều lợi ích sức khỏe.
Sầu riêng có giá trị dinh dưỡng cao
Sầu riêng cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất, có hàm lượng chất béo và calo cao hơn nhiều loại trái cây khác.
Một chén sầu riêng tươi hoặc sầu riêng để đông lạnh xắt nhỏ tương đương 243g cung cấp khoảng 357 calo, 3,6g protein, tương đương hàm lượng protein trong một số loại trái cây nhiệt đới khác như mít, ổi; 66g carbohydrate trong đó có một hàm lượng lớn là chất xơ; 3,1 - 19,97g đường.
Sầu riêng là một loại trái chứa nhiều chất dinh dưỡng |
Lượng đường trong sầu riêng xếp hạng chỉ số đường huyết là 49, thấp hơn các loại trái cây nhiệt đới khác như dưa hấu, đu đủ và dứa; cùng 13g chất béo nhưng đây là loại chất béo lành mạnh, có thể giúp cải thiện khả năng hấp thụ các vitamin A, D, E và K.
Sầu riêng có nhiều vi chất tốt: sắt, phốt pho, vitamin C và folate, nhiều kali và magie tốt cho sức khỏe của xương.
Ăn một chén sầu riêng, cơ thể sẽ được cung cấp khoảng 38% lượng vitamin B6; 80% vitamin C; 25% đồng; 61% thiamine; 30% kali; 18% magiê; 39% lượng mangan; 29% riboflavin; 22% folate và 13% niacin một người cần mỗi ngày.
Tác dụng bất ngờ của sầu riêng
Sầu riêng có thể được ăn trực tiếp như trái cây tráng miệng, hoặc chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như kem, chè, xôi, sinh tố, bánh crepe sầu riêng…
Cải thiện tâm trạng: Sầu riêng chứa axit amin tryptophan giúp sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin, tạo cho ta cảm giác hạnh phúc, bình tĩnh và thư giãn, cải thiện tâm trạng sau khi ăn sầu riêng.
Cải thiện tiêu hóa: Sầu riêng chứa một lượng lớn chất xơ, cả hòa tan và không hòa tan, có thể ngăn ngừa các vấn đề về dạ dày như táo bón, đầy hơi, chướng bụng.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Sầu riêng chứa lượng kali cao, tốt cho quá trình lưu thông máu, tốt cho người huyết áp cao.
Các hợp chất thực vật có trong sầu riêng có tác dụng giảm mức cholesterol, ngăn chặn các tình trạng xơ cứng động mạch nên làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan do tích tụ chất béo trong gan.
Điều hòa lượng đường trong máu: Sầu riêng có chỉ số đường huyết thấp. Do đó, sau khi ăn sầu riêng, lượng đường trong máu không tăng nhanh. Điều này có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Giảm nguy cơ ung thư: Sầu riêng có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp loại trừ các gốc tự do ra khỏi cơ thể, làm giảm nguy cơ ung thư.
Tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe làn da: 100g sầu riêng đáp ứng 24% lượng vitamin C hằng ngày, giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, vitamin C giúp bạch cầu hoạt động tốt hơn.
Những ai nên hạn chế ăn sầu riêng?
Sầu riêng là loại quả giàu dinh dưỡng, tuy nhiên cần ăn có liều lượng.
Người thừa cân béo phì cần hạn chế không nên ăn quá nhiều loại quả này. Dù sầu riêng không chứa cholesterol hoặc chất béo không lành mạnh nhưng trái cây này vẫn chứa nhiều calo.
Một quả sầu riêng nhỏ nặng khoảng 602g có khoảng 885 calo. Điều này tương đương với khoảng 44% trong số 2.000 calo hằng ngày được khuyến nghị cho một người trưởng thành trung bình.
Những người mắc bệnh đái tháo đường không nên ăn nhiều sầu riêng bởi sầu riêng có nhiều đường fructose và glucose. Thừa các loại đường này có thể gây ra các triệu chứng như mờ mắt và buồn nôn.
Theo quan điểm của y học cổ truyền, sầu riêng được coi là thực phẩm có tính "nhiệt", ăn quá nhiều sẽ xảy ra tình trạng nóng trong và xuất hiện triệu chứng như ngộ độc. Vì vậy người có thể trạng nóng, táo bón nặng không nên ăn sầu riêng.
Sầu riêng chứa hàm lượng kali dồi dào, ăn nhiều gây ứ đọng kali trong cơ thể. Vì vậy, người mắc bệnh thận và bệnh tim nên hạn chế ăn sầu riêng vì nếu ăn nhiều có thể làm rối loạn nhịp tim.
Người cao tuổi cần hạn chế ăn sầu riêng vì chất cellulose chứa trong thịt sầu riêng có nguy cơ gây táo bón, tắc ruột.
Cách chọn sầu riêng ngon, không sợ non hay ngâm thuốc Sầu riêng có mùi thơm nồng: Khi chín già, sầu riêng có mùi thơm nồng. Ngược lại, sầu riêng ngâm hóa chất có mùi rất nhạt, thậm chí không mùi. Âm thanh khi gõ lên quả phát ra phải chắc nịch: Khi mua sầu riêng, bạn nên cầm quả sầu riêng lên lắc nhẹ, hoặc dùng cây khui sầu riêng gõ nhẹ vào thân quả. Cuống sầu riêng còn tươi, có nhựa: Sầu riêng có cuống còn tươi, màu hơi xanh và cứng, dùng móng tay bấm vào thì thấy hơi ướt ướt nhựa. Sầu riêng để lâu, cuống sẽ teo lại và bị héo. Trong khi sầu riêng ngâm hóa chất, bấm móng tay vào cuống sẽ không thấy nhựa. Để lâu ngày, cuống sẽ bị thối. Vỏ sầu riêng xanh rêu, ửng vàng: Quả sầu riêng chín cây sẽ có màu xanh rêu hay ửng một chút vàng nhạt. Còn nếu như chạm vào vỏ mà thấy có bột màu vàng kem thì đó là sầu riêng tẩm hoá chất bị ép chín. Gai sầu riêng căng tròn, to đều: Ngược lại, sầu riêng ngâm hoá chất sẽ có gai sậm màu, gai nhọn nhưng bị mềm do còn non và bị ép chín bằng thuốc. |