Rủi ro tín dụng, nợ xấu là những thách thức lớn của ngành trong năm 2023
Tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng Tín dụng khựng lại và nỗi lo nợ xấu Ngân hàng vẫn phải cân nhắc cơ cấu nợ dù nợ xấu gia tăng |
Đó là chia sẻ của đại diện các ngân hàng tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng năm 2023 với chủ đề "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu", do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 10/5.
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu
Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngành Ngân hàng năm nay sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là rủi ro tín dụng. Ông Tùng chỉ rõ, đến hết quý I/2023, tín dụng toàn ngành chỉ đạt 2,06%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022. “So sánh tỷ lệ này cho thấy, mức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp đang chững lại, dự báo nguy cơ suy giảm kinh tế diễn ra” - ông Tùng nói.
Theo ông Lê Thanh Tùng, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang thu hẹp đơn hàng sản xuất, xuất khẩu trong khi chi phí vốn vẫn tăng cao. Số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản đang tăng dần lên. Bản thân người dân cũng sụt giảm thu nhập hơn, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. “Khó khăn của người dân, doanh nghiệp tác động trực tiếp đến sức khỏe tài chính của ngân hàng. Doanh nghiệp, người dân khó thì chúng tôi cũng khó” - đại diện VietinBank chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ 27 ngân hàng niêm yết, lợi nhuận quý I/2023 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, là minh chứng rõ nhất cho thấy những khó khăn của các ngân hàng giai đoạn đầu năm. Ông Tùng còn chỉ ra “rủi ro danh tiếng” mà các ngân hàng đang gặp phải sau những lùm xùm quanh thị trường trái phiếu, bảo hiểm… Chưa kể, ngân hàng còn đối mặt với câu chuyện thoái lãi dự thu; rủi ro an ninh, gian lận nội bộ, tấn công mạng…
“Đặc thù hệ thống ngân hàng là nơi cung ứng vốn lớn của nền kinh tế, thu nhập từ lãi là trọng yếu. Do vậy, lợi nhuận giảm, phải trích lập dự phòng rủi ro, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu … trong khi phải giảm lãi vay đồng thời theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng” - ông Tùng nói.
Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng năm 2023 với chủ đề "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu" |
Nói về khó khăn của doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dệt may là ngành thâm dụng lao động rất lớn. Từ cuối quý III/2022, số lượng đơn hàng giảm 15% và đơn giá giảm 20-30%, thậm chí 40-50%. Đó là những điều trước đây chưa từng xảy ra.
Ông Cẩm cho biết, sau khi Covid-19 hạ nhiệt, đơn hàng tập trung rất lớn nên sản xuất ổn định, sản lượng lớn. Nhưng khi thế giới xuất hiện những biến động về kinh tế, chính trị, hàng hóa của ngành không tiêu thụ được, tồn khoảng 25% lượng hàng. Cùng với đó, chi phí vốn tăng cao trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp.
“Đây cũng là khó khăn chung của nhiều ngành, không chỉ riêng dệt may. Tất cả những khó khăn này tiếp tục kéo dài sang năm 2023” - ông Cẩm nhận định và cho biết, đó cũng là lý do số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thế lớn và cao hơn số doanh nghiệp mở mới. Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ khoảng 3%. Đại diện VITAS bày tỏ quan ngại thị trường chỉ ấm trở lại từ quý III/2023, trong khi dự báo trước đó là quý II/2023 thị trường sẽ tốt hơn.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Tổng Thư ký VITAS đánh giá cao việc điều hành lãi suất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, điển hình như việc giảm lãi suất hay ban hành Thông tư 02/2023 giúp cơ cấu lại nhóm nợ.
Tuy nhiên, ông Cẩm vẫn kỳ vọng ngành Ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn giữa các ngành kinh tế, bởi hiện nay dư nợ dành cho ngành Dệt may còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành này rất lớn, khoảng 500.000-600.000 tỷ đồng.
Ngân hàng - doanh nghiệp mối quan hệ cộng hưởng
Theo lãnh đạo Vietinbank, trong các tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, bước đầu tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro địa chính trị, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế mở như Việt Nam.
Nhằm ứng phó với các biến động khó lường, hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hàng loạt giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, đẩy nhanh đầu tư công, giãn hoãn nộp thuế, giảm thuế, triểu khai những chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, gói tín dụng hỗ trợ 120.000 tỷ đồng…
Qua đó, doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung tránh được nguy cơ đứt gãy dòng vốn, phục hồi khả năng hấp thụ vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, giúp thực hiện 3 trụ cột nhiệm vụ kinh tế quan trọng.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và nhiều bộ, ngành đã có những giải pháp phù hợp và kịp thời. Nếu không có những giải pháp này, tôi e là nền kinh tế sẽ có rất nhiều khó khăn, hệ lụy” - ông Tùng nhận định.
Rủi ro tín dụng, nợ xấu là những thách thức lớn của ngành trong năm 2023 |
Thông qua việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, đủ cung ứng cho nền kinh tế. Các quy định giảm lãi suất điều hành, qua đó giảm lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ tích cực doanh nghiệp và người dân. Qua đó, triển vọng nền kinh tế sẽ được cải thiện hơn từ cuối quý III và quý IV năm nay.
“Thông tư số 02 không chỉ giúp cho doanh nghiệp mà còn giúp cho cả hệ thống ngân hàng, giúp cho chúng tôi giãn được thời hạn trích lập dự phòng, giúp cho quá trình hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục được tốt hơn. Khi doanh nghiệp phục hồi được, thì ngân hàng mới có thể hoạt động kinh doanh tốt, vì đây là mối quan hệ cộng hưởng có ý nghĩa rất quan trọng” - ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhận định, khó khăn của ngành ngân hàng là phải điều chỉnh tăng trưởng gắn với kiểm soát nợ xấu.
Thời gian qua, ACB cũng giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân với 10.000 tỷ đồng cho mỗi đối tượng, gồm 2.900 khách hàng cá nhân và 7.600 doanh nghiệp. Cụ thể, ngân hàng đã giảm 2 điểm % lãi suất với khách hàng thông thường và 3 điểm % với khách hàng mới.
Với Thông tư 02, một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng, bản thân ngân hàng cũng hoạt động như một doanh nghiệp trong một hoạt động kinh doanh đặc biệt. Ngân hàng sẽ áp dụng một cách thận trọng, vừa bảo đảm nền tảng tài chính, vừa bảo đảm hỗ trợ khách hàng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ.
Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết bản thân ngân hàng cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ bán lẻ với lãi suất cố định trong ngắn – dài hạn phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng.
“Đó là nỗ lực của ngân hàng, các ngân hàng thương mại cũng sẽ có chính sách tương tự, nhưng chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho khách hàng, nhất là cách ngành xây lắp, du lịch, logistics. OCB sẽ tranh thủ cơ hội, room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ khách hàng” - ông Trung nói.