Quý II/2023, nông lâm thủy sản hướng đến chinh phục mốc xuất khẩu 14 tỷ USD
Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản hai tháng đầu năm đạt khoảng 6,28 tỷ USD Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý 1 đạt trên 11 tỷ USD |
Điểm tên các mặt hàng nông lâm thủy sản “tụt dốc”
Quý I/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp “tụt dốc” đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Quý I/2023, xuất khẩu tôm đạt 578 triệu USD, giảm 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái |
Trong số các mặt hàng xuất khẩu tụt giảm nghiêm trọng trong quý I/2023 phải kể đến cà phê đạt 1,27 triệu USD (giảm 2,3% so với cùng kỳ); cao su đạt 552 triệu USD (giảm 22,9% so với cùng kỳ); chè đạt 35 triệu USD (giảm 22,9% so với cùng kỳ), hạt tiêu đạt 239 triệu USD (giảm 3,8% so với cùng kỳ); cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1% so với cùng kỳ); tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4% so với cùng kỳ); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD (giảm 28,3% so với cùng kỳ); sản phẩm mây, tre, cói thảm đạt 172 triệu USD (giảm 34,9% so với cùng kỳ).
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư Ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nan (VASEP) - cho biết, lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ - thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam, đã tác động lớn đến đơn hàng của các doanh nghiệp.
Cuộc khủng hoảng này làm cho ngân hàng thắt chặt tín dụng đối với các nhà nhập khẩu và họ không đủ khả đủ tiền để nhập những đơn hàng lớn. Tác động này còn lan sang cả Canada và EU.
Ngoài ra, năm ngoái các nhà nhập khẩu mua hàng nhiều bởi lo sợ có thể xảy ra những đợt đứt gãy nguồn cung lần nữa. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ không được như kỳ vọng do ảnh hưởng bởi lạm phát khiến hàng tồn kho tăng lên.
Do đó, thời điểm này các nhà nhập khẩu đang cơ cấu lại kho hàng, giảm giá để xả kho, chuẩn bị cho các đợt hàng mới. Điều này khiến giá thuỷ sản nhập khẩu giảm sút.
Dù không năm ngoài dự báo nhưng các doanh nghiệp thủy sản vẫn rất sốc. Cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản đang rất khó khăn trước tình hình hiện nay. Thậm chí có doanh nghiệp vẫn chưa ký đơn hàng cho các tháng quý II. Tình hình khó khăn hiện tại có thể kéo dài đến ít nhất mùa hè năm nay.
Cùng với thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ cũng đối diện với sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu 2 con số. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, sức mua trên toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023.
“Thông thường đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng. Do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp khách đặt mới và doanh nghiệp mới có được đơn hàng”, VIFOREST thông tin.
Chinh phục mốc xuất khẩu 14 tỷ USD trong quý II
Trong bức tranh kém sắc của quý I/2023, các mặt hàng gạo, rau quả, nổi lên như những “ngôi sao hy vọng” của ngành nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, tương đương 480 triệu USD, tăng 70% về lượng và tăng 82% về giá trị so với tháng 3/2022.
Lũy kế quý I/2023, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây. Trước tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Trung Quốc… xuất khẩu gạo quý tiếp theo và cả năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng tốt.
Rau quả được đánh giá là một trong những điểm sáng của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2023 |
Cũng được xếp vào ngành hàng tỷ USD trong quý I, rau quả ghi nhận mức tăng trưởng 11% nhờ việc Trung Quốc mở cửa kinh tế và nhiều loại trái cây giá trị cao như sầu riêng, chanh leo được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, năm 2023 được dự báo là năm lạc quan với xuất khẩu ngành hàng rau quả, trong đó có sự lên ngôi của trái sầu riêng. Nếu kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỷ USD thì chắc chắn góp phần mang lại tổng kim ngạch xuất khẩu cho ngành hàng rau quả vào khoảng 4 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2022.
Bên cạnh những bức tranh màu xám, các chuyên gia cũng kỳ vọng, trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đón những dấu hiệu tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, du lịch tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại
Ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, thông qua các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với các hoạt động hội chợ được tổ chức thời điểm quý I/2023, các doanh nghiệp đã có những đơn hàng từ các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản. Dự kiến, thị trường sẽ phục hồi dần và dự báo khoảng hết quý II/2023 thị trường xuất khẩu sẽ “ấm” trở lại.
Còn theo ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự báo xuất khẩu thủy sản cuối quý II hoặc đầu quý III mới phục hồi, khi thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, tiêu thụ và những tác động của xung động Nga – Ukraine lắng xuống. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên chú ý vào thị trường có sức bật, cự ly gần như Trung Quốc, Nhật Bản.
“Cuối quý II sẽ là thời điểm phục hồi của các thị trường”, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhận định và cho biết, Bộ hướng đến mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành đạt từ 2,9 - 3% trong quý II, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD.
"Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, càng khó khăn, thách thức càng “dốc hết sức” thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu mà ngành đã đặt ra", ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.