Phát triển công nghiệp bán dẫn: Việt Nam từng tụt hậu vì… không dám làm
Chíp bán dẫn được coi như dầu mỏ của thế kỷ XXI và do vậy cuộc chiến quanh con chip nhỏ bé này cũng mang dáng dấp toàn cầu của cuộc chiến dầu mỏ như từng diễn ra trong thế kỷ XX. Thế nên không lạ gì những toan tính của các nước “có điều kiện” trong việc sử dụng công cụ nhà nước để xoá ván cờ cũ để chơi ván cờ mới.
Ván cờ đó có tên gọi “vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu”.
Đã bắt đầu hình thành cái thứ bản đồ đó. Theo đó khâu thiết kế thuộc về Mỹ và một số nước châu Âu, khâu cung ứng vật liệu thuộc về một số nước Đông Á như Nhật, Hàn, Trung Quốc và khâu sản xuất là đến từ một số địa chỉ thuộc khu vực Đông Bắc Á trong đó có Đài Loan (Trung Quốc).
Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh hoạ |
Thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt giá trị 14.400 tỷ USD, một con số khổng lồ. Nhưng miếng bánh to không có nghĩa là tất cả các nền kinh tế đều sẽ có phần.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Intel Việt Nam, cho rằng nhu cầu sử dụng bán dẫn sẽ còn tăng cả trước mắt lẫn lâu dài do nhu cầu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhu cầu xử lý tính toán, nhu cầu phát triển mạng 5G rồi 6G, nhu cầu băng thông rộng.
“Sự quan trọng của bán dẫn cho thấy đây không còn là cuộc chơi của các công ty hay tập đoàn mà đã biến thành cuộc chơi của các quốc gia. Đây là điều khiến ngành bán dẫn phát triển ở đâu, phát triển ở công đoạn nào đều sẽ dẫn đến thay đổi bản đồ công nghệ thế giới”, ông Thắng nói.
Phân tích sâu thêm, ông Phùng Việt Thắng cho rằng hiện vẫn đang có khoảng cách giữa công nghệ khả thi và việc tận dụng công nghệ. Cùng đó giới hạn công nghệ của một quốc gia phụ thuộc vào chính quốc gia đó.
Hai câu chuyện thường được nhắc đến trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn là vai trò của Nhà nước và nguồn nhân lực.
Liên quan đến nguồn nhân lực, ông Thắng cũng như nhiều chuyên gia từng kinh qua lĩnh vực bán dẫn đều cho rằng, việc hiểu sâu chuyên môn ở một công đoạn nào đó là mang tính quyết định. Một minh chứng cho tầm quan trọng của nhân lực là Nhật Bản, từng đi đầu trong lĩnh vực bán dẫn nhưng áp lực già hóa dân số, đứt gãy trong duy trì nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này đã khiến Nhật Bản “mất dạng” trong cuộc đua thứ hạng của ngành công nghiệp này.
Theo ông Thắng, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn vẫn cần đến vai trò của Nhà nước với các can thiệp kể cả mang tính phi thị trường.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc công nghệ Công ty Sirius Network Solution, sự can thiệp của Nhà nước chỉ quan trọng trong từng giai đoạn nhất định. Nhưng sau đó, yếu tố quan trọng hơn vẫn là thị trường, phải có thị trường thì mới có thể phát triển tất cả các ngành.
Đây cũng là quan điểm của sử gia Chris Miller, tác giả cuốn sách ăn khách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” vừa được công ty Nhã Nam cho ra mắt bản dịch tiếng Việt cùng độc giả Việt Nam.
Trên nền những bối cảnh như thế, cơ hội nào cho Việt Nam cũng sẽ đồng nghĩa với vị trí của Việt Nam trên bản đồ bán dẫn thế giới.
Nói về vấn đề này, ông Hải nhớ lại có những việc Việt Nam lẽ ra có thể làm tốt nhưng chưa bao giờ dám làm. “Nhiều khi mình có khả năng nhưng không dám làm nên cuối cùng không làm được”, ông Hải nói.
Còn ông Lê Minh Quốc, người từng tham gia vào các công đoạn sản xuất chip từ năm 1982 cho rằng, công nghiệp bán dẫn rất phụ thuộc vào khoa học cơ bản, nhưng rất tiếc tại Việt Nam nhiều năm qua, phần khoa học cơ bản lại bị xem nhẹ. Theo ông này, “chúng ta thường chạy theo những công nghệ “xổi” trên thị trường”.
Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Việt Hải nhìn nhận, Việt Nam gần như là nước sau cùng ở Đông Nam Á đứng trước việc có nên tham gia vào ngành công nghiệp này hay không. Câu hỏi đặt ra ở lúc này cho Việt Nam là nên tham gia vào công đoạn nào?
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Phùng Việt Thắng cho rằng công nghiệp bán dẫn vốn có nhiều công đoạn thế nên với Việt Nam tham gia vào công nghiệp bán dẫn là đứng trước hai vấn đề: làm cái gì và làm thế nào và đây là hai vấn đề có tính tương tác lẫn nhau.
“Việt Nam làm được cái gì và làm thế nào, đều có ý nghĩa cả”, ông Thắng nói.
Bởi vậy để phát triển công nghiệp bán dẫn, theo ông Thắng cần những quyết sách rõ ràng, ràng mạch cả ở Chính phủ lẫn doanh nghiệp dù chỉ ở một phân khúc nhất định của ngành công nghiệp bán dẫn.