Tạo dựng ngành công nghiệp bán dẫn từ đột phá nguồn nhân lực
Thủ tướng nhấn mạnh, nhân lực là một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn. Bởi vậy, cách làm vừa cần giải pháp tiệm tiến, vừa cần các giải pháp đột phá.
Liên quan đến cách làm tiệm tiến, trên nền tảng phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin đã có, Việt Nam có thể dịch chuyển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử sang lĩnh vực bán dẫn. Cùng với đó, hình thành thêm một số khoa tại các cơ sở đào tạo, một số phòng tại các đơn vị nghiên cứu; tận dụng tối đa cơ sở vật chất đã có và bổ sung thêm.
Việt Nam cần tận dụng tốt dòng dịch chuyển của chuỗi cung ứng về công nghiệp bán dẫn. Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt cần mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều.
Việt Nam đã xác định công nghiệp bán dẫn là một trong 9 sản phẩm quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Các nghiên cứu đã chỉ rõ, trong vòng 5 năm tới Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chi phí đào tạo dự kiến cần đến số kinh phí tương đương 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đội ngũ này được kỳ vọng tạo ra khối lượng giá trị gia tăng gấp khoảng 15 – 16 lần.
Trong các công đoạn sản xuất vi mạch bán dẫn, Việt Nam tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch, chiếm khoảng 52%. Còn lại các công đoạn khác như sản xuất vi mạch, đóng gói - kiểm định vi mạch... chiếm 48%, nhưng vẫn còn rất non trẻ. Điều này đồng nghĩa, trong 5.500 nhân lực ngành bán dẫn hiện có ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch, còn lại các công đoạn khác nguồn nhân lực rất thiếu.
Theo các chuyên gia, việc giải được bài toán nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu các sản phẩm này mà còn cho phép tận dụng triệt để xu hướng dịch chuyển toàn cầu của các doanh nghiệp lớn về nghiên cứu, đầu tư sản phẩm này sang Việt Nam. Nếu không làm được điều này, cơ hội có thể khó đến thêm một lần nữa và điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ tụt hậu trong ngành công nghiệp bán dẫn và ở vào vị thế lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.
Cùng với việc có các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng một nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Một lối mở đáng mừng cho phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là nhiều tập đoàn công nghệ vi mạch lớn của thế giới sẵn sàng phối hợp với các cơ sở đào tạo của Việt Nam để đẩy nhanh việc đào tạo cũng như cập nhật, nâng cao trình độ nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở đào tạo của Việt Nam cần có những chuyển đổi kịp thời về cơ chế quản lý, bổ sung ngành đào tạo để tận dụng tốt nhất cơ hội được mở ra.