Lúa mì bật tăng, nối dài đà hồi phục trong phiên thứ 6 liên tiếp
Giá dầu thô đảo chiều, lúa mì dẫn đầu đà tăng nhóm nông sản Giá lúa mì ghi nhận phiên hồi phục thứ 4 liên tiếp Thị trường nông sản chia hai nửa xanh đỏ, giá dầu thô chịu áp lực |
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/1, sắc xanh tiếp tục chiếm thế áp đảo trên bảng giá nông sản, tuy nhiên diễn biến của các mặt hàng có sự phân hóa đáng kể. Trong khi đậu tương và khô đậu chỉ đóng cửa với mức thay đổi nhẹ, chưa tới 1%, giá hai loại ngũ cốc là ngô và lúa mì lại bật tăng mạnh trong phiên vừa rồi. Lúa mì là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm, ghi nhận phiên thứ 6 liên tiếp tăng giá.
Kể từ khi mở cửa, phe mua đã áp đảo thị trường lúa mì, trong bối cảnh dollar index giảm mạnh. Không chỉ có vậy, lo ngại về nguồn cung từ khu vực biển Đen cũng thúc đẩy lực mua đối với lúa mì. Theo một quan chức cấp cao của Ukraine, xuất khẩu ngũ cốc của nước này bằng đường biển trong tháng 1 có thể giảm 20% do cuộc khủng hoảng biển Đỏ đã làm gián đoạn một phần dòng chảy thương mại giữa châu Âu và châu Á. Nhiều nhà phân tích dự báo rằng nhiều chuyến hàng có thể chuyển hướng khỏi tuyến kênh đào Suez, cản trở việc xuất khẩu của Ukraine.
Thị trường ngô đã ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp tăng giá, phá vỡ xu hướng giằng co phía dưới vùng kháng cự 451. Tình hình vụ mùa tại Brazil một lần nữa là yếu tố đang hỗ trợ giá. Sở Kinh tế Nông thôn Parana cho biết, mặc dù phần lớn ngô vụ 1 ở phía bắc và phía nam của bang đã đủ điều kiện để thu hoạch, nhưng năng suất thực tế thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Còn tại khu vực phía tây và trung tây, tiến độ thu hoạch ngô vụ 1 vẫn diễn ra khá chậm. Với năng suất thấp, nông dân Brazil rất có thể sẽ tiếp tục hạn chế hoạt động bán hàng với kỳ vọng giá ngô trên thị trường nội địa tăng trở lại, góp phần hỗ trợ giá CBOT.
Giá đậu tương đóng cửa gần như không thay đổi so với mốc tham chiếu. Trước bối cảnh các yếu tố cơ bản không ghi nhận tin tức mới đáng chú ý, phe mua và bán diễn biến hết sức giằng co trong phần lớn phiên giao dịch. ANEC dự báo Brazil sẽ xuất khẩu 2,3 triệu tấn đậu tương trong tháng 1, tăng đáng kể so với mức ước tính ban đầu là 1,3 triệu tấn. Nguồn cung giá rẻ từ Nam Mỹ liên tục được đẩy mạnh ra thị trường quốc tế trong thời gian qua đã tạm thời xoa dịu mối lo ngại về sản lượng sụt giảm do thời tiết bất lợi của quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời hạn chế đà tăng ngắn hạn của giá.