Giá tiêu biến động liên tục giữa nỗi lo thiếu nguồn cung
Giá tiêu nội địa kỳ vọng cán mốc 160.000 đồng/kg Giá hồ tiêu điều chỉnh giảm do nhu cầu từ các thị trường suy yếu Thị trường hồ tiêu trầm lắng, nhà đầu tư lớn trữ hàng |
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hồ tiêu trong dân hiện nay gần như cạn kiệt. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang và lượng nhập khẩu năm 2024 ước tính chỉ khoảng 40.000 - 45.000 tấn. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung hồ tiêu cho xuất khẩu trong thời gian tới sẽ rất hạn chế, ít nhất là đến tháng 2/2025, khi vụ mùa mới bắt đầu. Một số vùng sẽ kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1 - 2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, khiến nguồn cung hạt tiêu Việt Nam ngày càng hạn chế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường tiêu Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng nhẹ và duy trì mức giá ổn định trong thời gian tới, đặc biệt khi nhu cầu xuất khẩu từ Trung Quốc và các thị trường lớn khác tăng trở lại. Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh - nhận định, ngành hồ tiêu Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao khi nguồn cung hạn hẹp.
Nguồn cung hồ tiêu cho xuất khẩu trong thời gian tới sẽ rất hạn chế, ít nhất là đến tháng 2/2025, khi vụ mùa mới bắt đầu. Ảnh: The Reluctant |
Tình hình này dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ giá hồ tiêu Việt Nam ở mức cao trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sẽ có cơ hội tăng lợi nhuận, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức. Đó là việc làm thế nào để duy trì được chất lượng hồ tiêu, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường; đồng thời, cần có những giải pháp để ổn định sản xuất, đảm bảo nguồn cung lâu dài cho xuất khẩu.
Với giá tăng cao và nhu cầu lớn từ thị trường thế giới, hồ tiêu Việt Nam đang trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của ngành hàng này, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, về xuất khẩu, thị trường hồ tiêu Việt Nam đang chứng kiến những diễn biến hết sức tích cực trong năm 2024. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 17.707 tấn, trị giá 110,5 triệu USD, giảm 8,8% về lượng và 5,4% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm ngoái giảm 2,2% về lượng nhưng tăng tới 63,7% về trị giá.
Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng được ví là “vàng đen” này đạt 200.637 tấn, trị giá gần 990 triệu USD, giảm 2,6% về lượng nhưng tăng mạnh 45% về trị giá so với cùng kỳ nhờ giá tăng cao.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 4.933 USD/tấn, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tháng 9, giá tiêu xuất khẩu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 8 năm qua với bình quân 6.239 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 67,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã vượt xa sản lượng 170.000 tấn của vụ 2024. Đồng thời, lượng xuất khẩu trong tháng 9 vừa qua được báo cáo giảm đáng kể là dấu hiệu cho thấy tồn kho trong nước đang cạn dần.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (7/10) trong khoảng 146.000 - 147.500 đồng/kg. Tổng kết tuần, giá tiêu giảm nhẹ ở các tỉnh Tây Nguyên, trong khi mất đến 2.000 đồng/kg tại khu vực Đông Nam Bộ. Thị trường trong nước vẫn trầm lắng, giao dịch thấp trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 147.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 147.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 146.500 đồng/kg. Trong khi đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 146.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 147.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 147.000 đồng/kg. Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 6.782 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 6.850 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA mức 8.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 9.068 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 11.400 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 6.800 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 7.100 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 10.150 USD/tấn. Tại thị trường Ấn Độ, giá tiêu đen đã giảm do nhu cầu yếu và lượng nhập khẩu tăng mạnh từ các quốc gia như Việt Nam, Sri Lanka, và Brazil. Giá tiêu nhập khẩu tại Ấn Độ thấp hơn 25 Rupee/kg so với tiêu nội địa, làm giảm nhu cầu tiêu thụ tiêu trong nước. Điều này, cùng với sự chậm trễ trong việc mua hàng từ Mỹ và châu Âu, đang gây áp lực lên giá tiêu toàn cầu. |