Lại thêm ‘bác sỹ Quang’ dè bỉu sữa trái cây, khuyên dùng sữa Cô gái Hà Lan
Sau khi Báo Công Thương đăng loạt bài về hiện tượng có dấu hiệu của chiến dịch “truyền thông bẩn”, loạt "bác sĩ TikToker" như "bác sĩ Huy", "dược sĩ Phương Thảo"…đã âm thầm gỡ hết các clip chê bai sữa trái cây, khen sữa Cô gái Hà Lan khỏi trang cá nhân.
Tuy nhiên, sáng ngày 28/10 trên tài khoản “bác sĩ Quang” vẫn để các clip quảng cáo cho sữa Cô gái Hà Lan và các clip quảng cáo sữa. Vị "bác sĩ" này cũng đem ra so sánh và cho rằng nhiều người thắc mắc vì sao con uống nhiều sữa vẫn gầy còm là vì uống sữa trái cây (?).
Cụ thể, trong một clip “Chọn sữa trái cây hay sữa tươi để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ?” vị bác sĩ này nói liến thoắng: “Con nhà em uống nhiều sữa lắm, nhưng không hiểu sao vẫn gầy còm lắm ạ. Hỏi ra mới biết thích uống sữa, nhưng lại là sữa trái cây đóng chai chứ không phải sữa tươi hay sữa bột. Chạy ra ngày hàng tạp hóa mua về một hộp sữa tươi và một hộp sữa trái cây để so sánh,..”.
“Bác sĩ Quang” quảng cáo cho nhiều sản phẩm, nhãn hiệu khác. Ảnh chụp màn hình |
Tiếp đó “bác sĩ Quang” giải thích rằng, sữa trái cây là nước trái cây kết hợp với một tỉ lệ nhỏ sữa hoặc bột sữa. Lợi ích là sữa sẽ có vị ngon ngọt của sữa trái cây rất dễ uống và trẻ cũng rất thích uống. Nhưng với tỉ lệ sữa ít như vậy hàm lượng dinh dưỡng tổng thể không thể nào cao cho được. Dễ dàng thấy ở đây là khối lượng đạm, chất béo, vi chất và khoáng chất khi so sánh với nhau là rất khập khiễng, mà ở tuổi phát triển của trẻ, việc đáp ứng tối ưu nhu cầu dinh dưỡng của con là quan trọng hơn bao giờ hết. Đồng ý rằng, sữa trái cây là một thức uống giải khát tốt hơn nước ngọt hay nước có ga, nhưng chắc chắn không thể thay thế sữa tươi.
Sau khi so sánh, “bác sĩ Quang” móc ra một bịch sữa màu xanh và nói: “vì chỉ với một bịch sữa Cô gái Hà Lan này vào bữa sáng là có thể cung cấp tới 30% nhu cầu canxi 22% nhu cầu đạm của trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Chưa kể là có nhiều vitamin và khoáng chất có trong sữa…’’.
Tài khoản Tiktok bs Quang. Ảnh chụp màn hình |
Không chỉ quảng cáo cho sữa, truy cập tài khoản “bs. quang” – Bác sĩ Quang còn hàng loạt các clip ngắn quảng cáo cho nhiều nhãn hàng và sản phẩm khác như: dầu gội, dưỡng sáng da tại nhà, sữa tắm, kem đánh răng, kem ngừa sẹo…
Đáng chú ý, hầu hết trong các clip “bs Quang” đều mặc áo blouse trắng và ghi tên “bs Quang” trước ngực, đeo khẩu trang để quảng cáo các sản phẩm, nhãn hiệu khác trên Tiktok. Việc quảng cáo thu hút với số lượng lớn người xem, từ vài chục nghìn đến hàng triệu lượt xem.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Thời gian qua, việc mạo danh là bác sĩ nổi tiếng, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc đã diễn ra từ lâu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã can thiệp bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể chấm dứt tình trạng này. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lại rầm rộ xuất hiện nhiều clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.
Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo tình trạng mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm.
Ghi nhận của phóng viên vào chiều ngày 28/10, clip quảng cáo sữa Cô gái Hà Lan và so sánh với sữa trái cây đã gỡ khỏi trang “bs. quang”.