Kim ngạch xuất khẩu cao nhất lịch sử, gạo Việt đang "phủ sóng" những quốc gia nào?
Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam làm gì để giữ vững “phong độ”? Đột phá chiến lược mô hình phát triển ngành lúa gạo Việt Nam Gạo Việt đón tin vui từ đầu năm, giá trị xuất khẩu nhảy vọt, tăng tới 95% |
Lúa gạo là ngành hàng hóa thiết yếu với trên 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hàng ngày, được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới.
Là nước nông nghiệp, Việt Nam nắm giữ nguồn xuất khẩu gạo thứ 3 toàn cầu và đang không ngừng chuyển mình, vươn lên trở thành nơi chi phối thị trường thế giới cả về sản lượng lẫn chất lượng. Theo số liệu tổng hợp, xuất khẩu gạo năm 2023 đạt khối lượng trên 8,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 4,6 tỷ USD, tương ứng giá xuất khẩu bình quân là 575 USD/tấn.
Philippines, Indonesia, Trung Quốc... là những quốc gia tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam |
So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo chứng kiến mức tăng hơn 14% về số lượng và tăng hơn 35% về tổng giá trị. Đó là những dấu mốc, những thành tựu xuất khẩu gạo cao nhất kể từ năm 1989 - thời khắc lịch sử của ngành lúa gạo Việt Nam khi bắt đầu tham gia xuất khẩu toàn cầu.
Theo thống kê ban đầu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng xuất khẩu gạo chính thức của Việt Nam trong năm 2023 chỉ xếp sau Ấn Độ (17,5 triệu tấn) và Thái Lan (khoảng 8,8 triệu tấn).
Sự lan tỏa của thành tích về xuất khẩu gạo nước ta đạt được trong năm 2023 đã được khẳng định, tuy nhiên, những quốc gia, thị trường nào đang yêu thích, ưa chuộng hạt gạo Việt nhất, lại là thông tin không phải ai cũng biết.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, những năm qua, Philippines thường xuyên là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam khi chiếm đến 38,5% tổng lượng và 37,5% tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt hơn 3,14 triệu tấn, tương đương 1,75 tỷ USD, giá bình quân 559 USD/tấn trong năm 2023, tăng 20,5% về trị giá nhưng giảm 2,46% về lượng so với năm 2022.
Chủng loại gạo xuất khẩu chính sang Philippines năm qua vẫn là Đài thơm 8, OM18, OM5451 và các loại gạo trắng cao cấp. Khối lượng gạo nhập từ nước ta chiếm đến 3,14 triệu tấn/3,8 triệu tấn (tương đương 83%) tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2023, theo Cục Công nghệ Thực vật Philippines (BPI).
Theo sau là thị trường Indonesia, bắt đầu tăng cường nhập trở lại nhằm bảo đảm an ninh lương thực từ cuối năm 2022 sau gần 4 năm tuyên bố đủ khả năng tự cung tự cấp gạo, ngừng nhập khẩu từ năm 2019.
Năm 2022, lượng nhập từ Việt Nam chỉ đạt 119.000 tấn và tăng hơn 77% thì sang năm 2023 đã tăng vọt vượt lên vị trí thứ hai các nước nhập khẩu từ Việt Nam, đạt đến 1,17 triệu tấn gạo các loại, tăng đột phá gần 1,05 triệu tấn (tăng gần 9 lần) so với năm trước.
Đồng thời, hiện nay nước ta cũng là nguồn cung gạo lớn thứ hai sau Thái Lan cho Indonesia. Gạo trắng hạt dài 504 5% tấm là chủng loại gạo chính mà Indonesia nhập khẩu từ nước ta và một lượng ít OM5451.
Kế tiếp là Trung Quốc với 11,3% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước, đạt 917 ngàn tấn và kim ngạch tương đương 530,61 triệu USD, giá bình quân trên 578 USD/tấn trong năm 2023. Cũng trong năm này, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường "sát vách" tăng nhẹ so với năm trước (tăng gần 8%).
Nếp và Tấm Nếp là chủng loại gạo luôn giữ vị trí dẫn đầu về lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam, kế tiếp là mặt hàng gạo Thơm các loại (chủ yếu là ST). Cần biết, Việt Nam vẫn là quốc gia cung cấp gạo lớn nhất và duy nhất tăng lượng xuất vào Trung Quốc trong khi các nguồn cung khác đều giảm mạnh trong năm qua.
Khu vực châu Phi cũng là thị trường nhập khẩu ưa thích của hạt gạo Việt Nam. Trong số các quốc gia quen thuộc, Ghana giữ vị trí hàng đầu với khối lượng 587.000 tấn, kim ngạch tương đương 361 triệu USD, giá bình quân 614 USD/tấn, tăng mạnh gần 33% về lượng so với năm 2022, chiếm trên 7,22% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.
Theo sau đó, là những thị trường không xa lạ với gạo Việt, đó là Bờ Biển Ngà (513.000 tấn), Malaysia (397.000 tấn), Cuba (166.000 tấn)... cùng các thị trường khó tính như Mỹ và khu vực các nước châu Âu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam.