Đột phá chiến lược mô hình phát triển ngành lúa gạo Việt Nam
Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam “Thiên thời, địa lợi” với doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam |
Ảnh minh hoạ. |
Đây là quan điểm của chuyên gia kinh tế PGS. TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) về những sứ mệnh mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Thưa ông, vì sao lại cho rằng hiện nay là thời điểm thích hợp cho việc thực hiện các đột phá chiến lực mô hình phát triển ngành lúa gạo Việt Nam?
Trong giai đoạn 1988 - 2023, Việt Nam tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong phát triển ngành này và vì thế, ngành đã có bước phát triển vượt bậc. Theo đó, Việt Nam đã tạo được những kỷ lục mới trong phát triển như 2 lần đạt gạo ngon nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay và giá gạo Việt Nam đã vượt giá gạo Thái Lan- cường quốc thế giới về xuất khẩu gạo trong nhiều thập kỷ.
Đây là biểu hiện của sự vươn lên của ngành công nghiệp lúa gạo Việt Nam và cũng là thời điểm ngành lúa gạo bước vào giai đoạn mới của tiến trình phát triển, đòi hỏi nâng cấp ngành công nghiệp lúa gạo lên trình độ mới và ở mức độ cao hơn, đột phá chiến lược mô hình phát triển phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện phát triển mới, cung ứng nguồn gạo quy mô lớn, sứ mệnh cao hơn và tổ chức theo mô hình công nghiệp hóa mới với tư duy kinh tế nông nghiệp xuyên suốt.
Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng |
Ông có thể phân tích cụ thể hơn không?
Trong 36 năm (1988 - 2023) tích lũy thành tựu liên tục, sức mạnh nội sinh vững chắc của công nghiệp lúa gạo Việt Nam được hình thành đáng kể, tạo vị thế chưa từng có của ngành, thể hiện bằng kinh nghiệm dạn dày, đặc biệt quý báu về phát triển ngành từ nhiều mô hình khác nhau. Việt Nam còn có cả trải nghiệm về chế độ quảng canh, độc canh và thâm canh công nghiệp gạo và hình thành mạng lưới của ngành công nghiệp.
Việt Nam đã duy trì ổn định sản lượng gạo xuất khẩu sau khi bảo đảm lượng gạo dự trữ đúng quy định và bảo đảm lượng gạo phục vụ nhu cầu trong nước. Lượng gạo xuất khẩu khoảng 7 - 8 triệu tấn/năm cho thấy nguồn cung ổn định và chuỗi cung ứng được hình thành, không có sự bất ổn trong tổ chức nguồn cung nhất là quỹ đất sử dụng trồng lúa, lực lượng lao động và nguốn vốn đầu tư. Đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam ổn định thậm chí có xu hướng tăng khi có suy giảm nguồn cung toàn cầu do tác động bất lợi của tự nhiên.
Điều này cho thấy tính ổn định của thị trường, mức lợi nhuận bình quân phù hợp, chia sẻ hài hòa giữa các đối tượng hữu quan và chính sách điều tiết phù hợp, điều kiện khí hậu thuận lợi. Do đó, lòng tin của đối tác nước ngoài vào chuỗi cung ứng gạo Việt Nam tăng lên.
Đặc biệt, giá gạo Việt Nam đạt mức cao nhất thế giới. Trong nền kinh tế thị trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt và liên tục, người mua hay khách hàng đóng vai trò quyết định, lợi nhuận xuất khẩu gạo được bình quân hóa, hoàn toàn không có sự can thiệp của Nhà nước, do đó, giá gạo cao nhất phản ánh chất lượng gạo cao nhất. Đây là căn cứ đánh giá mức độ cải thiện thương hiệu gạo Việt Nam và người tiêu dùng thế giới ngày càng biết nhiều về gạo Việt Nam. Hình ảnh gạo Việt Nam ngon lan tỏa toàn cầu và đây là tiềm năng hình thành lợi thế quy mô toàn cầu.
Ngành gạo Việt Nam được mùa nhiều năm liên tiếp là điều kiện để tích lũy nguồn cung ứng quy mô lớn, có khả năng cung ứng khối lượng gạo lớn bù vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung đột ngột từ các nước khác. Việt Nam trở thành nhà cung ứng lượng gạo lớn, góp phần đáng kể trong bình ổn giá gạo, theo đó, giá gạo thế giới không tăng quá cao. Đây là lực lượng quan trọng thế giới tránh khỏi tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Khuôn khổ thể chế mới được hình thành trực tiếp vào phát triển ngành công nghiệp lúa gạo với Đề án phát triển 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Định hướng và phương thức phát triển công nghiệp lúa gạo được cụ thể hóa. Đề án tạo chỗ dựa quan trọng tăng cường sức mạnh nội sinh ngành công nghiệp lúa gạo.
Xin ông nói rõ về những nội hàm trong sứ mệnh mới của ngành lúa gạo Việt Nam?
Cam kết Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trọng cộng đồng quốc tế được khẳng định trong chủ trương hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Đây là cam kết kiên định, bao trùm, tiến bộ và lâu dài. Từ góc độ ngành công nghiệp lúa gạo, trách nhiệm này cần được phát huy thành sứ mệnh mới của ngành. Thế mạnh của Việt Nam đang cộng hưởng hiệu quả với cơ hội phát triển đang tạo động lực để ngành vượt qua các điểm yếu và thách thức không nhỏ trong phát triển giai đoạn mới.
Với vị thế được nâng lên đáng kể trên thị trường thế giới, ngành công nghiệp lúa gạo Việt Nam cần chủ động, tích cực thay đổi hay làm tươi mới tầm nhìn, nâng cấp từ trách nhiệm đơn thuần với cộng đồng quốc tế thành sứ mệnh lịch sử mang tính bước ngoặt trong ngành công nghiệp lúa gạo thế giới, có khả năng tạo ảnh hưởng tích cực đến việc bảo đảm an ninh lượng thực thế giới, chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng từ tiêu dùng gạo chất lượng trung bình hay trung bình khá sang tiêu dùng gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ, gạo ngon. Đây là sứ mệnh làm thay đổi phúc lợi người tiêu dùng gạo thế giới.
Ngành công nghiệp lúa gạo cần khai thác nguồn lực quốc tế, sự hỗ trợ của đối tác quốc tế về tài chính, kỹ thuật, nhân lực trình độ cao. Đồng thời cần coi trọng hợp tác với các đôi tác quốc tế để tăng mức độ tương tác, tích lũy thêm kiến thức, thông tin và trải nghiệm mới để phát triển.
Vậy đâu sẽ là những yêu cầu của sứ mệnh mới của ngành lúa gạo Việt Nam, thưa ông?
Có thể thấy ngành công nghiệp lúa gạo Việt Nam đang chuẩn bị chuyển sang một ngưỡng phát triển mới. Tầm nhìn về triển vọng phát triển lạc quan hơn với sứ mệnh cao cả và to lớn hơn so với trách nhiệm chủ yếu để thực hiện nghĩa vụ tốt thiểu trong khi thế mạnh lớn và cơ hội phát triển hầu như không có điểm cuối cùng.
Điều này đòi hỏi đột phá chiến lược mô hình phát triển. Đó là mô hình ngành lúa gạo tổ chức ở quy mô, phương thức vận hành và kết nối công nghiệp. Các chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ của ngành chỉ là những yếu tố cấu thành. Mô hình này phải được coi là một hệ sinh thái phát triển đầy đủ nền tảng số hóa, nghiên cứu và phát triển lúa gạo hàng đầu, cơ các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm trình độ cao, kỹ thuật tinh xảo, đội ngũ nhân lực đầu ngành thế giới về lúa gạo. Lúa gạo được sản xuất ra đáp ứng được nhu cầu cao nhất, thậm chí dẫn dắt nhu cầu khi dựa vào thành công đột phá công nghệ. Quá trình sản xuất, chế biến đạt trình độ tiên tiến thế giới. Quy trình sản xuất lúa gạo khoa học. Hệ thống kho tàng, vận tải, logistics xuôi và ngược đáp ứng tiêu chuẩn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát thải ròng thấp.
Những tiến bộ công nghệ hàng đầu lĩnh vực này góp phần cất giữ, bảo quản phù hợp, duy trì ổn định chất lượng. Hệ thống marketing chuyên nghiệp, phát triển các kỹ thuật phát triển thương hiệu gạo hiệu quả, tạo hình ảnh gạo Việt Nam số 1 thế giới. Hệ thống giao dịch trực tuyến phát triển đặc biệt hình thành sàn giao dịch gạo Việt Nam giữ vị trí trung tâm khu vực ASEAN được đặt tại Việt Nam cho nên cần đầu tư xây dựng và phát triển Sàn giao dịch gạo hoặc Sàn giao dịch gạo cao cấp Việt Nam kết nơi với các sàn giảm dịch các trung tâm lớn. Sàn giao dịch gạo Việt Nam cần trở thành sàn giao dịch trung tâm kết nối với các nguồn gạo từ Ấn Độ, Thái Lan, Cambodia, Myanmar và các nhà cung cấp khác để trở thành sàn giao dịch gao của thế giới. Đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp gạo được đào tạo và phát triển có hệ thống, chuyên sâu và có khả năng sử dụng các loại thiết bị, công nghệ số hiệu quả.
Nếu phân tích kỹ lưỡng, có thể thấy Việt Nam gần như có đầy đủ các điều kiện để thực hiện đột phá chiến lược mô hình phát triển này. Hơn nữa, việc thực hiện đột phá chiến lược này cũng nằm trong 3 đột phá chiến lược phát triển của Việt Nam được đề xướng và thực hiện từ năm 2011. Vì vậy, thực hiện thành công đột phá chiến lược mô hình phát triển này sẽ góp phần thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược quốc gia đã được khẳng định và kiên định thực hiện.
-Xin cảm ơn ông!