Gạo Việt đón tin vui từ đầu năm, giá trị xuất khẩu nhảy vọt, tăng tới 95%
Giá gạo tăng khiến lạm phát vẫn dai dẳng ở châu Á Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam làm gì để giữ vững “phong độ”? Đột phá chiến lược mô hình phát triển ngành lúa gạo Việt Nam |
Thông tin tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài diễn ra sáng 29/2, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ tháng đầu tiên của năm 2024 xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng đã đón nhận một số tín hiệu tích cực.
Trong đó, ước tính sơ bộ đến hết tháng 1/2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512.000 tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) |
Các chuyên gia cũng dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam như Philippines, Indonesia và Trung Quốc có xu hướng gia tăng trong năm 2024. Dự báo này hoàn toàn có cơ sở tin cậy, khi thương mại gạo toàn cầu đang tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo.
Cùng với đó, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Thái Lan, Campuchia... cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Đồng thời, lượng hàng tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.
Bên cạnh tín hiệu khả quan trong dự báo nhập khẩu ở các thị trường then chốt như đề cập phía trên, các thị trường Việt Nam có lợi thế với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, hay các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ và các quốc gia Trung Đông, cũng đều đang cho thấy những dấu hiệu tích cực, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, ở góc độ thận trọng, đại diện Bộ Công Thương cho rằng trước bối cảnh thị trường đang có nhiều cơ hội lớn, song hành với đó cũng sẽ nảy sinh những thách thức đan xen.
Để có thể tận dụng tốt cơ hội tiếp tục xuất khẩu gạo tốt sang các thị trường truyền thống và tiếp cận, gia tăng thị phần tại các quốc gia còn nhiều tiềm năng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện những giải pháp chính, bao gồm phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Các chuyên gia dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam như Philippines, Indonesia và Trung Quốc có xu hướng gia tăng trong năm 2024. |
Tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo...
Tiếp tục linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực Châu Phi, Trung Quốc...; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ...
Tổ chức tốt việc triển khai nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh doanh, thông tin thị trường, đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.
Và, tiếp tục phối hợp Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về các quy định tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định song phương để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho lượng hạn ngạch cho Việt Nam.