Hạn hán khiến sản lượng thủy điện toàn cầu sụt giảm “lịch sử”
Theo nghiên cứu của Tổ chức Năng lượng Ember, tính từ đầu năm nay đến tháng 6 vừa qua, sản lượng thủy điện toàn cầu giảm 8,5%, nhiều hơn bất kỳ mức giảm cả năm nào trong hai thập kỷ qua.
Nhà máy Thủy điện Bạch Hạc Than của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Một nghiên cứu mới của Tổ chức Năng lượng Ember (Anh) chỉ ra rằng thời tiết khô hạn, đặc biệt ở Trung Quốc, đã khiến sản lượng thủy điện toàn cầu sụt giảm “lịch sử” trong nửa đầu năm 2023. Đây là minh chứng cho tác động của biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu, tính từ đầu năm nay đến tháng 6 vừa qua, sản lượng thủy điện toàn cầu giảm 8,5%, nhiều hơn bất kỳ mức giảm cả năm nào trong hai thập kỷ qua. Trong đó, 75% mức giảm từ Trung Quốc khi nước này ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục hồi đầu năm nay.
Trong giai đoạn từ giữa mùa Đông năm 2022 đến mùa Xuân năm 2023, phần lớn các khu vực ở Tây Nam Trung Quốc ghi nhận lượng mưa ít hơn đáng kể và nền nhiệt cao hơn so với một năm bình thường.
Theo Ember, sản lượng thủy điện giảm dẫn tới lượng phát thải CO2 toàn cầu tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2023, mặc dù sản lượng điện mặt trời và điện gió tăng 12%. Lượng phát thải tại Trung Quốc tăng gần 8% khi nước này tìm cách bù đắp sản lượng thủy điện hao hụt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trong nghiên cứu, Ember cho rằng rất khó để tính toán các tác động trong tương lai, đồng thời lưu ý ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khác nhau tại từng khu vực.
Một số vùng ở Trung Phi, Ấn Độ, Trung Á và nhiều nước vĩ độ cao phía Bắc có thể có sản lượng thủy điện tăng, trong khi ở miền Nam châu Âu, miền Nam nước Mỹ và nhiều khu vực khác có thể giảm.
Cơ quan năng lượng quốc tế tháng trước dự kiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030.
Tuy nhiên, sản xuất năng lượng gió và mặt trời trong nửa đầu năm nay tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự mong manh của những thành tựu trong lĩnh vực này.
Bà Malgorzata Wiatros-Motyka, nhà phân tích cấp cao về điện năng của Ember, nhấn mạnh không thể phớt lờ thực tế các điều kiện bất lợi đối với thủy điện ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Bà kêu gọi đạt được một thỏa thuận toàn cầu nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trong thập kỷ này.