Kinh doanh giảm sút, kế hoạch chuyển lên HOSE của thủy điện Hủa Na có bị ảnh hưởng?
Thủy điện Hủa Na: Đảm bảo phát điện vào cuối năm nay Thủy điện Hủa Na: Lắp đặt thành công Rotor tổ máy số 2 Sớm giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư thủy điện Hủa Na |
Sau khi có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán từ hồi tháng 7/2023, thủy điện Hủa Na (HNA) đã chính thức gửi hồ sơ đăng ký giao dịch những cổ phiếu đầu tiên tại HOSE với mức vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngày 20/9/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Công ty CP Thủy điện Hủa Na với hơn 235,3 triệu cổ phiếu HNA, tương ứng mức vốn điều lệ đạt hơn 2.352 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 20/7/2023, HĐQT Thủy điện Hủa Na đã thông qua Nghị quyết về việc đăng ký niêm yết cổ phiếu HNA trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Được biết, trước khi có nguyện vọng chuyển sàn, Thủy điện Hủa Na từng giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM từ ngày 5/10/2017 với giá tham chiếu đạt 10.000 đồng/cp.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Thủy điện Hủa Na được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu từ ngày 16/5/2007, lần gần đây nhất là đăng ký sửa đổi lần thứ 10 vào ngày 3/1/2023 với ngành nghề chính là kinh doanh điện. Ban đầu, Thủy điện Hủa Na có số vốn điều lệ là 1.200 tỷ đồng, được thành lập bởi 02 cổ đông lớn là Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Ngoài 2 cổ đông sáng lập, Thủy điện Hủa Na còn có các cổ đông góp vốn là: Ngân hàng Thương Mại cổ phần Quân đội (MB), Công ty CP Lilama 10, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Công ty CP Đầu tư và Tài chính (FIC), Công ty CP Đầu tư Tài chính Dầu khí Việt Nam. Thủy điện Hủa Na có trụ sở chính tại tầng 9, tòa nhà Dầu khí Nghệ An, số 07, đường Quang Trung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông Bùi Huy Thành là người đứng ra đại diện pháp luật kiêm chức vụ Tổng Giám đốc.
Thủy điện Hủa Na là cái tên gắn liền với dự án Nhà máy thủy điện Hủa Na trên thượng nguồn Sông Chu, thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đây là dự án nằm trong chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ ngày 19/1/2006.
Nhà máy thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180MW, bao gồm 02 tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 7.092 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình năm là 712,7 triệu Kwh.
Điểm qua về tình hình kinh doanh, năm 2022, Thủy điện Hủa Na ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 70% so với năm trước, đạt 1.176 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 583 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với năm 2021.
Sang nửa đầu năm 2023, Thủy điện Hủa Na cũng không tránh khỏi khó khăn chung của ngành điện khi ghi nhận kết quả kinh doanh trượt dốc. Theo đó, doanh thu thuần của Thủy điện Hủa Na đạt hơn 285 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế rút xuống chỉ còn gần 47 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2022.
Giải trình về nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh giảm mạnh, Thủy điện Hủa Na cho biết do lưu lượng nước về hồ bình quân chỉ đạt 35,71 m3/s, bằng 59.91% cùng kỳ là 59,61 m3/s. Do đó, sản lượng điện 6 tháng đầu năm đạt 206,27 triệu Kwh, giảm 83,82 triệu Kwh so với cùng kỳ dẫn đến doanh thu nửa đầu năm sa sút.
Hồi đầu tháng 6/2023, Thủy điện Hủa Na phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có nguy cơ phải dừng phát điện bởi mực nước xuống quá thấp. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho nhiều hồ thủy điện ở Nghệ An bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản lượng phát điện chỉ đạt từ 30 - 50%.
Năm 2023, Thủy điện Hủa Na đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 733 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 153 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm 2023, Thủy điện Hủa Na mới thực hiện được 39% chỉ tiêu doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Tính đến ngày 30/06/2023, Thủy điện Hủa Na có tổng tài sản đạt gần 3.737 tỷ đồng, giảm 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh 73%, từ 200 tỷ đồng xuống chỉ còn 55 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của Thủy điện Hủa Na chủ yếu có nợ vay ngắn hạn và dài hạn tương đương nhau, lần lượt đạt 142 tỷ đồng và 143 tỷ đồng, giảm 52% và 34% so với đầu quý I/2023. Tuy nhiên, các khoản phải trả ngắn hạn khác cao gấp 13,2 lần đầu năm, nhảy vọt lên hơn 242 tỷ đồng.
Khó khăn bủa vây, thế nhưng ngày 15/6/2023, Thủy điện Hủa Na vẫn thông báo chi “mạnh tay” 235,2 tỷ đồng để trả cổ tức đợt 1/2022. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.
Trên sàn chứng khoán, tính đến 15h ngày 21/9, giá cổ phiếu HNA dừng lại ở mức 17.600 đồng/cp, giảm khoảng 400 đồng/cp so với ngày hôm trước.