Loạt dự án điện trọng điểm của EVN đang triển khai ra sao?
Loạt dự án nguồn quan trọng sắp phát điện
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết hiện nay EVN đang triển khai 8 dự án nguồn điện với tổng công suất khoảng 6.600 MW. Trong đó, có 3 dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng là Yaly mở rộng (360MW), Hòa Bình mở rộng (480MW) và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1.403MW). Các dự án này sẽ lần lượt hoàn thành và phát điện vào các năm 2024, 2025 và 2026.
Ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ảnh: Cấn Dũng |
3 dự án đang tích cực chuẩn bị công tác đầu tư xây dựng là Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái (1.200MW), Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng (200MW) và Nhà máy Nhiệt điện khí Quảng Trạch 2 (1.500MW). Dự kiến các nhà máy này sẽ khởi công trong năm 2024, 2025 và hoàn thành, phát điện trong các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
2 dự án đã hoàn thành lập dự án đầu tư (Nhà máy Nhiệt điện khí Dung Quất 1 và 3) nhưng chưa xác định được tiến độ triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành do chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh.
Về các dự án truyền tải, EVN và các đơn vị đang triển khai hàng trăm các dự án đường dây và Trạm Biến áp truyền tải (tính từ cấp điện áp 220kV trở lên). Hầu hết các dự án này đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho việc phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Trong đó có thể kể một số các dự án trọng điểm, đang rất được quan tâm thúc đẩy tiến độ như các dự án: Đường dây 500kV mạch 3; dự án TBA 500kV Vĩnh Yên và các đường dây đấu nối; các dự án đường dây 500/220kV Nho Quan – Phủ Lý – Thường Tín, đường dây 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ và đường dây 220kV Nghĩa Lộ - Việt Trì…
EVN cũng đang trong quá trình triển khai đường dây cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo cùng các dự án giải toả nguồn thuỷ điện nhỏ khu vực Tây Bắc; mua điện từ Lào và Đồng bộ với các dự án nguồn điện.
Nhiều khó khăn thách thức
Phó Tổng giám đốc EVN cho biết quá trình triển khai thực hiện các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm, EVN gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có thực hiện Luật Đầu tư 2020 và Luật Điện lực. Vướng mắc này dẫn đến đến khó khăn trong việc xác định EVN và các đơn vị là nhà đầu tư các dự án truyền tải để thực hiện nhiệm vụ được nhà nước giao. Điều này làm kéo dài thời gian để xác định nhà đầu tư của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định/trình/phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài tiến độ của các dự án truyền tải của EVN và các đơn vị.
EVN đã và đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: Hoàng Hưng |
Thứ hai, quá trình triển khai cũng gặp không ít vướng mắc pháp luật về lâm nghiệp. Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định “đối với các dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, thì chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”, do vậy các dự án điện nhóm A, B, C đều phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu có chuyển mục đích sử dụng rừng.
Để có được thủ tục chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các dự án điện hiện nay thường phải kéo dài, sau khi được chấp thuận đó mới có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đều bị chậm. Hầu hết các dự án lưới điện truyền tải khu vực các tỉnh trung du, miền núi đều vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng do phải đi qua rừng.
Bên cạnh đó là vướng mắc của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, việc chồng chéo về quy định của pháp luật cũng khiến quá trình triển khai thực hiện các dự án điện trọng điểm gặp không ít thách thức.
Đặc biệt, nhiều dự án gặp khó về giải phóng mặt bằng. Hiện công tác thoả thuận hướng tuyến với các địa phương hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, phải thay đổi hướng tuyến liên tục dẫn tới chậm tiến độ các dự án.
Thêm nữa, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu vùng xa làm ảnh hưởng đến công tác xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài. Đơn giá bồi thường còn bất cập, đặc biệt tại các thành phố lớn và một số tỉnh tiềm năng phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Hoặc không có quy định đối với diện tích đất mượn tạm thi công, dẫn tới người dân có những đòi hỏi chi phí đền bù rất cao, một cách vô lý.
Giải pháp vượt khó
Theo ông Phạm Hồng Phương, ý thức được tính chất quan trọng của các dự án năng lượng trọng điểm, trong thời gian vừa qua, EVN đã triển khai loạt giải pháp để tháo gỡ các khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai.
Cụ thể, EVN yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án kiểm soát chặt chẽ công tác lập thiết kế đảm bảo chất lượng hồ sơ tránh phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần… Quản lý điều hành công tác thi công các dự án đảm bảo đồng bộ giữa các gói thầu, giữa các hạng mục công trình… nhằm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ và an toàn vệ sinh môi trường cho công trình. Tăng cường tối đa công tác kiểm tra, giám sát của EVN đối với tình hình triển khai các dự án để phát hiện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, EVN thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ các bộ ngành và chính quyền các cấp của địa phương để đề nêu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các giải pháp để được các cấp thẩm quyền giúp đỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong 1 thời gian rất ngắn.
Đồng thời, cử cán bộ phối hợp cùng các trung tâm phát triển quỹ đất, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương trong tất cả các khâu: Thống kê, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, công khai, phê duyệt và tổ chức chi trả…
"Việc chủ động, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần, nỗ lực cao nhất đã giúp EVN triển khai thực các án hiệu quả, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ được giao", ông Phương nhấn mạnh.