Giá dầu lao dốc kỷ lục 9 tháng: Áp lực từ kinh tế Mỹ và nguồn cung Libya
Giá dầu tăng vọt do gián đoạn nguồn cung tại Libya Thị trường năng lượng lao dốc: Giá dầu giảm sâu nhất trong gần 9 tháng Giá dầu lao dốc mạnh: Áp lực kép từ Libya và thị trường lao động Mỹ |
Giá dầu, "vàng đen" của thế giới, đang đối mặt với một cơn bão giá chưa từng thấy. Kết thúc tuần giao dịch 2-8/9, giá dầu đã "rơi tự do", chạm mức thấp nhất trong 9 tháng qua. Cơn "sốt" bán tháo dữ dội này đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng mới. Vậy, điều gì đang xảy ra với thị trường dầu?
Theo đó, giá dầu ghi nhận 5 phiên giảm liên tiếp dưới lo ngại tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu giảm tốc bất chấp tín hiệu gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng trong tháng 10 và tháng 11 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+).
Kết tuần, dầu thô WTI giảm 7,99% xuống mức 67,67 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 7,63% xuống mức 71,06 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua.
Báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ làm gia tăng mối lo về một thị trường việc làm đang suy yếu, tín hiệu của việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Bộ Lao động Mỹ cho biết, khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 142.000 công việc mới trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với con số dự báo 161.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Mặc dù, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước, còn 4,2%, mức phù hợp với mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng không thể xoa dịu đi đà bán tháo trên thị trường.
Những áp lực liên tiếp trên thị trường trong thời gian vừa qua cũng được Citi Bank cảnh báo. Ngân hàng này đã hạ dự báo giá dầu trung bình thế giới xuống mức 60 USD/thùng trong năm sau do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng từ các nước ngoài OPEC.
Thêm vào đó, các vấn đề tranh chấp tại Libya dần được giải quyết với việc các cơ quan lập pháp của Libya đã đồng ý bổ nhiệm một thống đốc ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày sau các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Điều này có thể khiến hoạt động sản xuất khoảng 700.000 thùng/ngày của nước này được khôi phục. Thông tin này đã xóa nhòa đi tuyên bố gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện của nhóm xuất khẩu OPEC+ sang tháng 10 và tháng 11.
Những áp lực trên thị trường cũng khiến loạt ngân hàng hạ dự báo giá dầu trong giai đoạn cuối năm. Bank of America đã hạ dự báo đối với giá dầu Brent cho nửa cuối năm 2024 xuống 75 USD/thùng từ mức gần 90 USD trước đó trên cơ sở tính toán mức tồn kho toàn cầu, tăng trưởng nhu cầu và năng lực sản xuất dự phòng của OPEC+.