Đẩy nhanh tiến độ thông qua Luật Điện lực (sửa đổi): Yêu cầu cấp bách của nền kinh tế
Sáng 26/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Tham gia phát biểu tại tổ, đại biểu Đỗ Đức Duy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Chính phủ đã nhận thấy tính cấp thiết, cần sớm sửa đổi Luật Điện lực để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển các ngành kinh tế của đất nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đã cam kết mạnh mẽ với thế giới về hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang rất nỗ lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, theo hướng đẩy mạnh phát triển các ngành năng lượng tái tạo, giảm dần các nguồn năng lượng phát triển từ nhiên liệu hoá thạch với mục tiêu phải nâng gấp 3 lần công suất của các nhà máy phát triển năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: Khương Trung |
Với yêu cầu cấp thiết như vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu và chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Ban đầu có ý kiến cho rằng, lựa chọn một số chính sách, một số vấn đề vướng mắc rất cấp thiết để sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này, tương tự như Luật Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, sau xét thấy rằng nếu chỉ sửa một vài vấn đề thì không giải quyết được tổng thể vấn đề an ninh năng lượng, như đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo… đều là vấn đề rất mới, không chỉ với Việt Nam mà cả với thế giới như phát triển điện gió ngoài khơi, các hệ thống thiết bị để tích trữ năng lượng.
Hơn nữa, vấn đề an ninh năng lượng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả khu vực. Hiện đã có những sáng kiến về việc xây dựng hệ thống mạng lưới điện của các nước ASEAN, chứ không chỉ của mỗi quốc gia để có sự chia sẻ giữa nơi thừa và nơi thiếu… Do đó, chúng ta phải hình thành khuôn khổ pháp lý để bảo đảm cho sự phát triển của ngành điện lực của mình.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ này với hơn 100 điều, khối lượng rất lớn. Do đó, có ý kiến băn khoăn là để xem xét, thông qua trong một kỳ họp thì có đảm bảo chất lượng không?
Chính phủ cho rằng, để thông qua được cần sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các vị đại biểu Quốc hội. Chính phủ mong muốn, các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian thoả đáng để nghiên cứu dự án Luật này, nếu thấy đủ rõ, đủ thông, nhất là thống nhất, không có nhiều ý kiến khác nhau để có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này là tốt nhất.
"Điều này thực sự cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực để về đích các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ này vào năm 2025. Việc giải quyết được vấn đề năng lượng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước; giải phóng, khơi thông các nguồn lực nhất là các nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng quốc gia", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sau tiếp thu, chỉnh lý trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 Chương và 130 Điều, tăng 60 Điều so với Luật hiện hành. Sự gia tăng này được cho chủ yếu là các quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện cạnh tranh. Đây là dự án luật rất quan trọng, có tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, cho nên Chính phủ mong muốn thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp. |